Dạy bé có thái độ đúng về tiền bạc

5,642
9
38

metyruoi

Active Member
Con gái níu chặt tay mẹ khi nhìn thấy con búp bê Barbie ở cửa hàng đồ chơi. Đi nào, mẹ vẫn kiên quyết thúc giục. Con vẫn bước nhưng đôi chân như muốn níu lại. Rồi con vùng vằng, giật tay mình ra khỏi bàn tay mẹ. Con dậm chân rồi khóc òa ngay giữa phố: Tại sao mẹ không chịu mua búp bê cho con?
Mai mình mua con thỏ bông mới nhé


Mẹ bối rối vì rất nhiều cặp mắt đang hướng về phía mẹ con mình ở ngoài phố. Nhưng không, lần này mẹ không thể nào thua cuộc được nữa, lần này mẹ không thể ngả lòng trước những "yêu sách" của con. Mẹ không sợ tiếng khóc, mẹ không sợ cái giậm chân nặng trịch, mẹ không sợ cả sự mè nheo đến dai dẳng của con.
Ảnh minh họa


Về nhà, mẹ dọn phòng và ngắm lại từng món đồ chơi của con. Nếu bày biện và sắp xếp chúng vào một tủ kính thì con gái mẹ đã có thể mở được một cửa hàng rồi đấy. Đống đồ chơi nhiều đến nỗi con không thể nhớ hết mình đã có món nào, có bao nhiêu con búp bê, bao nhiêu con gấu bông và thậm chí chẳng thể nhớ nổi hình dạng của một vào món đồ chơi mà lâu lắm rồi con chẳng đụng đến.

Thế mà, con không ngừng đưa ra những đòi hỏi bất cứ lúc nào con muốn mà không hề quan tâm tới phản ứng của bố mẹ.

"Áo con rách rồi, mai mình mua cái áo mới nhé".

"Con thỏ bông này cũ rồi, mai mình mua một con mới nhé"
...

Bố mẹ quen với điệp khúc này tới nỗi cứ mỗi khi nghe mẹ phàn nàn về việc các con quá nghịch ngợm, bố lại đùa: Con mình hư rồi, mai mình mua một đứa con mới nhé...

Mẹ phì cười và quên đi những bực dọc và mệt mỏi đang chồng chất.

Ở dưới bếp, mẹ lại nghe thấy tiếng con nì nèo: Mai mình mua một cái TV mới được không hả bố? Cái TV nhà mình nhỏ quá, xem chẳng đẹp như TV nhà bạn Lan...

Mẹ thở dài, chỉ mong là một ngày nào đó, con sẽ có thái độ đúng đắn hơn về những thứ mà mình đang sở hữu. Mẹ muốn con gái hiểu được giá trị của đồng tiền, của sức lao động và bớt đi cái tính nì nèo, nhõng nhẽo khi muốn có được một thứ gì.

Bố mẹ không mua thì ông bà sẽ mua cho con

Cho dù đã bao lần mẹ kiên quyết nói "không" trước những yêu cầu của con thì thế nào ông bà nội ngoại lại đứng ra bênh vực cháu và tự bỏ tiền túi để mua đúng món đồ chơi mà cháu gái đang mong muốn.

Con gái kiêu hãnh nhìn mẹ bằng ánh mắt của một kẻ thắng trận. Ông bà chỉ trích mẹ, nói rằng mẹ quá... độc đoán trong khi điều kiện gia đình có thể đáp ứng được mọi yêu cầu của con. Ông bà cho rằng tại sao mẹ không thể chiều con trong khi điều ấy có thể mang lại cho con niềm vui. Rồi bao tội lỗi được đổ hết lên đầu mẹ dù cho mẹ đã cố gắng giải thích và chỉ cho ông bà xem hàng đống đồ chơi mà con đang có.

Con gái đắc thắng vì được ông bà bênh vực. Dù đã bao lần được nhìn thấy tận mắt giá tiền được gắn trên mỗi loại đồ chơi nhưng nó không hề hiểu được sự khác nhau giữa tờ 20.000 và 200.000 là như thế nào. Với nó, khi mẹ có tiền trong túi tức mẹ có thể đáp ứng mọi nhu cầu của con, không quan tâm tới việc giá của mỗi món hàng là đắt hay rẻ.

Đã đến lúc cần phải thay đổi

May mắn thay, mẹ đã nghĩ ra được một cách để con gái biết được giá trị của đồng tiền và trân trọng những gì mình đang có. Ở trường học của con có một căng tin chuyên bán đồ ăn và những đồ lặt vặt khác như sách vở, giấy bút và thậm chí là những mầu đề can xinh xinh với những hình thù rất ngộ nghĩnh.

Giống như những đứa trẻ khác, con gái mẹ say mê ở "thế giới căng tin" vào mỗi giờ ra chơi. Con mua kẹo, bánh và những thứ linh tinh khác bằng chút tiền cố định mà mẹ đã cho hàng tuần.

Nhưng hôm nay, con gái lại tiếp tục kì kèo phải cho thêm vài nghìn nữa để mua được một mảnh giấy trang trí dán tường mà con rất thích. Con bảo, số tiền trong tuần mà mẹ đã cho không thể đủ cho việc mua sắm ấy.

Tôi nghiêm nghị bảo con: Mẹ không thể cho con thêm tiền vì tiền lương của mẹ còn phải chi cho nhiều việc khác trong nhà mình. Nếu con muốn mua những thứ con cần, hãy học cách tiết kiệm bằng việc nhịn đi những yêu cầu khác để dành tiền cho tới lúc nào đủ thì thôi.

Ban đầu, con gái có vẻ hơi ngần ngại. Nhưng vì thấy mẹ cương quyết quá nên con dần hiểu ra trách nhiệm của mình. Tôi còn hứa với con nếu bé có ý thức tiết kiệm điện, nước trong nhà thì bé sẽ được thêm một chút tiền do chính ý thức của mình mang lại. Bài học ấy giúp con tôi nhận ra rằng, tiền bạc không phải tự nhiên mà có. Chúng ta phải tiết kiệm, phải lao động để kiếm ra đồng tiền, từ đó lại dùng tiền để mua những món đồ mà chúng ta mong muốn. Tuy nhiên, từng món đồ lại có từng loại giá trị khác nhau. Người mua phải biết tính toán, cân nhắc mua bán thế nào để cân xứng với số tiền của mình chứ không phải cứ muốn gì là được nấy.

Dần dà, con gái bớt hẳn thói nì nèo và biết yêu thương hơn những món đồ chơi của mình, đặc biệt là những thứ con đã tự mua.

Giai điệu "mua cho con một thứ mới nhé" giờ đã ít xuất hiện hẳn. Con bé đã trưởng thành hơn nhiều từ khi được toàn quyền chi tiêu một số món đồ lặt vặt cho riêng mình.

Chồng tôi lại trêu đùa: "Mua cho anh một cô vợ mới nhé" mỗi khi thấy tôi tỏ ra uể oải hay cằn nhằn vì mệt mỏi sau một ngày làm việc ở cơ quan.

Và tôi đáp lại anh một cách... ranh mãnh: Thế anh có cần em dạy lại cho anh bài học về tiền bạc để anh biết trân trọng hơn những thứ mình đang có hay không?
Theo Đời sống Gia đình​
 
Top