Lắng nghe cơ thể

5,634
9
38

metyruoi

Active Member
Cơ thể con người là một thực thể sinh học đồng điệu và nhịp nhàng. Chúng ta lặp lại và biến đổi cơ thể theo nhịp điệu ngày đêm như thức và ngủ. Nhưng cơ thể còn có những biến đổi rất kỳ diệu theo chu kỳ mùa trong một năm và có thể ứng dụng trong y dược học. Vậy mùa xuân, cơ thể có gì “lạ”?

Gan tốt hơn

Gan là một tạng hoạt động mạnh nhất trong mùa xuân, nhất là việc đồng hoá và tổng hợp chất. Cụ thể, gan tiết mật nhiều hơn, hấp thụ chất tốt hơn và cũng phục hồi nhanh hơn. Nếu so sánh tốc độ đồng hoá protein của gan trong các mùa khác nhau thì mùa xuân là mùa tốt nhất.

Với thông tin thú vị này, nếu có ý định bồi bổ gan thì hãy tranh thủ mùa xuân để bồi dưỡng. Còn đối với người đang bị bệnh gan thì cũng nên tranh thủ mùa xuân để điều trị. Vì điều trị bệnh gan trong thời điểm này sẽ rút ngắn được thời gian và đạt hiệu quả tốt hơn.



Cơ thể cao hơn

Trong bốn mùa của năm thì mùa xuân là mùa cơ thể có tốc độ sinh trưởng nhiều hơn cả. Kết luận này có được dựa vào tốc độ sinh sản của tế bào, tốc độ dài ra của tóc và xương, tốc độ tăng trọng và phát triển chiều cao của cơ thể. Tình cờ người ta thấy đồng loạt các chỉ số này có thiên hướng tăng nhiều về mùa xuân. Có nghĩa là mùa xuân là mùa mà không chỉ để cây cối đâm chồi nảy lộc mà còn là mùa cơ thể lớn nhanh nhất, cao nhất và phát triển nhiều nhất. Tất nhiên là với người đang lớn. Lý giải hiện tượng này người ta cho là vào mùa xuân, nồng độ hormon sinh trưởng GH đạt cao nhất. Sự đồng thuận này đã tạo điều kiện cực kỳ tốt cho sinh trưởng.

Điều này có ý nghĩa gì không? Nếu em bé nhà bạn đang bị thiếu cân, còi xương hoặc “nhỏ thó” hơn những đứa trẻ cùng trang lứa thì mùa xuân là cơ hội vàng để bạn tăng tốc tầm vóc cho con mình. Nếu như bạn tích cực chăm sóc bé vào mùa xuân bằng một chế độ dinh dưỡng hợp lý thì có thể đạt được chiều cao bằng cả 3 mùa cộng lại.

Rối loạn Parkinson nhiều hơn


Mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm nhưng nó lại không là mùa dễ chịu của những người mắc bệnh Parkinson. Vì rằng người ta thấy khả năng tổng hợp dopamin của các tế bào thần kinh bị giảm sút vào mùa xuân, nhất là thời điểm giao mùa xuân - hè. Mà sự thiếu hụt dopamin đang được cho là nguyên nhân cơ bản nhất của bệnh này. Vì vậy, cần chú ý chăm sóc người bệnh Parkinson trong mùa xuân hơn để tránh diễn biến nặng lên cho những bệnh nhân này.

Hay xảy ra đau nửa đầu (Migraine)


Migraine - chứng đau nửa đầu điển hình khó chịu cũng là một rắc rối chán ngắt khi mùa xuân đến. Đặc biệt đối với những người đau đầu Migraine có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt.

Bằng cách khám và theo dõi người bị đau đầu Migraine, người ta thấy có một thiên hướng tăng bệnh vào mùa đông - xuân. Số lượng người bị mắc chứng bệnh này có vẻ tăng lên trong khí trời xuân ấm áp. Không rõ lý do vì sao nhưng có một chi tiết cần chú ý, số lượng cơn đau nửa đầu xuất hiện dồn dập hơn vào mùa đông - xuân. Có lẽ bạn nên chuẩn bị sẵn cho mình một ít thuốc trị Migraine nếu bạn hoặc người thân mắc chứng bệnh này để Tết vui trọn vẹn.

Ít hấp thu nước


Đừng uống quá nhiều nước vào buổi tối, lại vào những ngày mùa xuân, nếu như bạn không muốn bị mất ngủ vì đi tiểu. Lý do rất đơn giản: hoạt động các tế bào thần kinh chế tiết vasopressin (một hormon chống lợi tiểu, còn gọi là ADH) bị giảm mạnh vào mùa xuân và mùa đông. Vì thế, cơ thể cứ tha hồ mà thải ra nước tiểu. Gần như uống vào bao nhiêu thì thải ra bấy nhiêu. Vậy nên không nên uống nhiều nước hay bia vào buổi tối. Còn đối với người bệnh đang phải dùng thuốc lợi tiểu, thì cần phải sử dụng liều cao hơn một chút. Ví dụ như tăng 1/2 viên thành 2/3 viên trong một lần uống. Do vậy, mà mùa xuân thì bạn đừng tham… nước nhé.

Chuyển hoá mỡ giảm


Nếu bạn là người sợ mỡ thì chẳng nói làm gì. Nhưng nếu bạn là người thích ăn mỡ và đồ béo thì khuyên bạn hãy cố ghìm lại nếu không sẽ bị “dính đòn” vì rối loạn cholesterol máu.

Lý do là hoạt động các enzym chuyển hoá mỡ và cholesterol giảm vào mùa xuân. Thế nên, bao nhiêu cholesterol ăn vào bị ứ lại trong máu hết. Lượng cholesterol này sẽ tích cực bám vào thành mạch và gây ra bệnh vữa xơ động mạch.

Vì thế, nên giảm ăn thực phẩm giàu cholesterol vào mùa xuân. Và đương nhiên, nếu đang điều trị bạn không được bỏ một ngày nào thuốc hạ cholesterol đang sử dụng cho dù bạn có du xuân ở tít tận đâu.

Cũng chung số phận với cholesterol, sự chuyển hoá axít béo cũng chậm nhất trong những ngày đầu năm. Nồng độ axít béo trong máu đo được vào mùa xuân cao hơn so với các mùa khác. Để hạn chế tình trạng này, không nên dùng nhiều thực phẩm béo và nhớ là không được ăn nhiều mỡ trong ngày Tết. Vì nếu không sẽ bị tăng cao nồng độ axít béo trong máu.



Ổn định huyết áp

Bệnh tăng huyết áp ít bị biến chứng nặng vào mùa xuân. Giá trị huyết áp cũng không tăng mạnh vào mùa này. Người ta chưa rõ lý do nhưng có một giả thiết khá phù hợp, đó là mùa xuân, khí trời ấm áp, hoạt động hệ thần kinh giao cảm giảm xuống, nồng độ adrenalin giảm mạnh. Hai điều may mắn này đã giúp cho những người bị tăng huyết áp tạm ổn định, có thể tranh thủ đi thăm thú bạn bè. Nhưng bạn hãy nhớ là không được uống rượu. Vì mức giảm của adrenalin ngay lập tức bị đình chỉ lại bởi rượu, và chứng tăng huyết áp lại xuất hiện đột ngột đấy.

Hợp với người thích sinh con gái


Từ xưa đến nay người ta cho rằng mùa xuân là mùa của sinh sản. Nhưng kỳ thực lại không hoàn toàn như vậy. Theo ước tính của giới khoa học, mùa sinh sản lại mạnh nhất vào những tháng 8, 9, 10, chẳng liên quan gì đến mùa xuân cả. Cường độ sinh sản vào mùa xuân có vẻ như không mạnh lắm vì nồng độ FSH và LH lại giảm vào mùa hoa đào nở.

Song điều này có vẻ không quan trọng lắm bằng thông tin, mùa xuân hợp với người thích sinh con gái. Người ta đã thống kê và theo dõi thử những cặp vợ chồng mang bầu vào mùa xuân. Kết quả cho thấy, nếu mang bầu vào mùa xuân (tức là sinh vào mùa đông cùng năm) thì tỷ lệ sinh con lại thiên vào con gái nhiều hơn. Không hiểu có phải vào mùa xuân thì những chú tinh trùng X hưng phấn hơn hay không. Thế nên, nếu bạn đang mong có một nàng công chúa thì hãy lựa chọn mùa xuân là mùa để mang bầu nhé.

BS. Huyền Trang - SK&ĐS
 
Top