Haidang02
New Member

Không tiện đánh thức ông cụ đang yên giấc, người thanh niên đặt túi quà bên cạnh ông rồi lên xe. Đang ngủ bên vỉa hè, ông cụ chợt tỉnh giấc. Ông vừa ngạc nhiên, vừa xúc động khi thấy món quà với gạo và bánh tét kế bên từ lúc nào.
Còn rất nhiều những ông già, bà lão hay người tàn tật cũng ngơ ngác sau khi thức dậy với túi quà bên mình.

"Ông bụt" nhẹ nhàng đặt túi quà bên cạnh ghế của một ông lão đang thiêm thiếp ngủ.
Các bác xe ôm hay những ai bất ngờ tỉnh giấc lúc được tặng quà mới nhìn rõ dung nhan người tặng quà. Và họ gọi những người ấy một cách thân thương là “ông bụt”. Những “ông bụt” này không râu tóc bạc phơ mà tuổi đời còn rất trẻ. Hầu hết trong số họ chưa ai qua khỏi cái tuổi 30. Những ngày giáp Tết, với ý tưởng "để người nghèo có cái Tết ấm cúng hơn", một nhóm bạn trẻ đã cùng nhau góp tiền mua quà tặng cho người nghèo lang thang trên phố. Nhóm có khoảng 40 nam thanh nữ tú, khá nhiều bạn ở tỉnh lên TP.HCM đi học và đi làm, trước khi chia tay về quê ăn Tết, các bạn muốn được chia sẻ và muốn mang đến một niềm vui nhỏ với những người lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn...
Khoảng thời gian 10 - 12 giờ đêm được coi là “lúc đẹp nhất” để tìm và gặp người nghèo. Theo chân nhóm bạn trẻ này, chúng tôi hiểu rõ hơn công việc tuy nhỏ bé nhưng cao đẹp của các “ông bụt” lúc nửa đêm và hiểu hơn về những phận người không có Tết.

Cả nhóm đang lên kế hoạch trước khi lên đường.
Không phải chỉ bon xe trên các đường lớn, các bạn trẻ này chịu khó luồn lách từng con hẻm nhỏ, lặn lội trên những đường đá gập ghềnh, nhìn từng gầm cầu, góc khuất...
Vừa “đánh hơi” được ông già đang nằm ngủ co ro trên chiếc xích lô cũ, bên vỉa hè đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, cả nhóm tấp xe vào rồi lặng lẽ quan sát. Thấy dáng vẻ gầy guộc, mái tóc hoa râm, người này nhìn người kia rồi gật đầu cầm lấy một túi quà.
Như kẻ trộm trong đêm, một “ông bụt” rón rén xung quanh chiếc xích lô tìm nơi đặt túi quà để tránh đánh thức ông dậy. Để dưới đất sợ sáng ra thức dậy ông không thấy, “ông bụt” tìm mãi mới thấy trên xe có chỗ hở và cho chiếc túi vào.
Không biết cảm xúc ông cụ thế nào khi nhìn thấy túi quà, nhưng nhóm bạn trẻ rất vui và lại hăm hở lên đường.
Những giấc ngủ không tròn
Lúc đi đến góc ngã tư đường Lê Lợi và Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nhóm bạn trẻ dừng lại. Dưới chân cột đèn là một thanh niên khuyết tật cầm xấp vé số trên tay. Nhóm bạn dừng lại trò chuyện và biết người thanh niên còn phải nuôi mẹ già, mỗi ngày kiên trì ngồi bán anh kiếm được 50 - 70 ngàn đồng, cũng có khi số tiền này bị giật mất. Nhóm bạn trẻ gửi lại anh túi quà. Anh thanh niên tần ngần một lúc rồi nhận. Với đôi chân và hai mắt không lành lặn, anh nhẹ nhàng kéo túi quà gần lại rồi khẽ nói cám ơn. Đêm nay, ngoài tiền lời vé số ra, hai mẹ con có thêm gạo và bánh Tét để họ thấy Tết không còn xa...
Những “ông bụt” lại tiếp tục lên đường để phát hết quà cho kịp trong đêm.

Những cuộc trò chuyện ngắn ngủi, mặc dù không biết đến tên nhau nhưng sẽ khó quên...
Đang chạy băng băng trên con đường Nguyễn Văn Trỗi, một người trong nhóm đột ngột chỉ tay vào lề đường và cả nhóm dừng xe. Trên vỉa hè, có một người không rõ già trẻ thế nào đang nằm ngủ. Một bạn nam trong nhóm rón rén đến gần để “dò thám”. Trong lúc ấy, người kia bất ngờ tỉnh giấc và ngồi dậy.
Sau một hồi làm quen, người đàn ông này như đã rất lâu mới có người hỏi đến mình và nhắc đến quê hương mình. Ông thao thao kể rằng ông năm nay đã 36 tuổi, quê tận ngoài Bắc, vào Nam vừa tròn 10 năm. Ông không gia đình, người thân, con cái. Ngày ông nhặt rác, lượm ve chai, đêm lại ngủ bên vỉa hè. Cái bao lượm rác ban ngày giờ đây vừa là chiếu, vừa là chăn.
Lời kể chữ được, chữ mất, người đàn ông vừa nói vừa lấy gấu áo chùi chùi đôi mắt rươm rướm nước. Đến lúc chúng tôi để lại túi quà và lên đường, ông còn bần thần ngồi nhìn vào đêm. Chẳng hiểu, ông nhìn chúng tôi hay nhìn thấy ngày Tết ở quê trong quá khứ?
Gần 2 giờ đêm, túi quà cuối cùng trên tay của nhóm được trao lại cho người đàn ông đẩy xe ba gác trên xa lộ Hà Nội. Nhìn số ve chai ông nhặt được trên xe, chúng tôi hiểu rằng ông đã thức dậy trước đó hơn 1 giờ đồng hồ. Qua lời kể của người đàn ông này, vì gia đình ông quá nghèo mà phải nuôi con nhỏ nên cả vợ lẫn chồng phải dậy từ khuya rồi chia nhau đi nhặt ve chai.
Cầm món quà trên tay, ông xúc động nói: “Gia đình tui có thêm cái này những ngày trước Tết là hạnh phúc lắm!”. Chia tay chúng tôi, người đàn ông gầy guộc lại ì ạch đạp xe ba gác trên con đường ồn ào xe tải, xe contaner... qua lại.
Chị Võ Nhật Linh, một thành viên trong nhóm “ông bụt” cho biết tặng quà cho người nghèo cũng phải tìm đúng đối tượng. Vì người nghèo rất nhiều, nhưng không phải ai cũng cần đến gạo và bánh tét. Có bà lão già quá khi nhận được quà không dám lấy vì chân yếu, xương đau không cầm nổi nên chị đành gửi bà ít tiền ăn sáng.
Món quà Tết của các bạn đơn giản chỉ là gạo và bánh tét, nhưng có nhiều người nhận được đã xúc động đến mức không giấu nổi nước mắt mình. Đó chính là niềm vui và hạnh phúc của người trao quà.
Đêm xuân này, trong lúc mọi người hân hoan đi dạo đường hoa Nguyễn Huệ thì nhóm bạn trẻ cũng đã du xuân trên những con đường ngoại thành và mang theo một thông điệp yêu thương cho cuộc sống: Ai cũng có thể làm từ thiện, ai cũng có thể chia sớt cùng những mảnh đời cơ cực bằng những việc làm nhỏ nhưng nhiều ý nghĩa.
Nhóm bạn trẻ có gần 40 người, có người là giáo viên, có người làm kinh tế, người là sinh viên... sinh sống tại TP.HCM tình cờ gặp và hẹn nhau làm từ thiện. Từ 10 - 12 giờ đêm là thời điểm tốt nhất để họ đi trao quà, nhưng từ 7 giờ sáng, cả nhóm đã chia nhau lên đường. Mỗi nhóm có khoảng 4 - 10 người.
Nhóm bạn trẻ đã đi qua những con đường từ Thủ Đức, Q.9, Gò Vấp, Q.1, Q.8, H.Bình Chánh... Mỗi con đường, ngõ hẻm họ tới là một câu chuyện về những người không tên. Hầu hết những người được giúp đỡ là người già, người tàn tật, trẻ em... không còn hoặc rất ít khả năng lao động. Và với những người được tặng quà, các bạn trẻ được coi là những “ông bụt” không tên.
- Minh Quyên
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: