Ông lão 82 tuổi, hơn 10 năm đạp xe “ nhặt tìm” 2.000 trẻ khuyết tật

10,159
29
48

ALnML

Super Moderator
Ông lão 82 tuổi, hơn 10 năm đạp xe “ nhặt tìm” 2.000 trẻ khuyết tật

(GD&TĐ) - Hơn 10 năm qua ông cựu chiến binh già vẫn âm thầm lặng lẽ, rong ruổi đạp xe hàng chục cây số đi tìm “nhặt” những mảnh đời bất hạnh đưa về nhà, đào tạo nghề chăm lo cho cuộc sống 2.000 đứa trẻ tật nguyền. Ông là Hà Xuân Định, ở thôn Thượng, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Người dân vẫn thường hay ví von ông cùng với cái tên gọi “ ông tiên, ông bụt”. Tuổi thơ bất hạnh Kể về duyên trời định khiến ông hăng say gắn bó với nghề, chúng tôi nhận được câu trả lời cùng lý do rất đơn giản từ ông “ Tuổi thơ tôi quá bất hạnh, mỗi khi nghĩ về mình, tôi lại muốn làm một điều gì đó thật ý nghĩa cho những đứa trẻ kém may mắn số phận giống như tôi...” Nhớ lại thuở thiếu thời, đôi mắt trũng sâu của ông lại ngân ngấn hai dòng lệ. Ông từng được hưởng niềm hạnh phúc gia đình nhưng sự ấm áp ấy quá ngắn ngủi không trọn vẹn. Ngày bố mất khi đó ông mới lên bảy tuổi. Những tháng ngày mồ côi cha ông sống trong vòng tay thương yêu của người mẹ, rồi không bao lâu sau người mẹ lâm bệnh, do nhà nghèo hàn không thể lo được bữa ăn hàng ngày cho con cái mẹ ông đành phải đưa ông đi ở kiếp làm thuê, ở đợ.
Hơn 10 năm qua ông Định đạp xe đạp vợt hàng trăm cây sô nhặt tìm được 2.000 mảnh đời bất hạnh đưa về HTX khảm trai Ngọ Hạ đào tạo nghề..
Trong huyện của ông, đi đâu ông cũng gặp nhưng trẻ em lang thang cơ nhỡ. Nhiều nhà có đến 2 - 3 người con cùng mắc bệnh thiểu năng trí tuệ nhưng rèn giũa vẫn có thể lao động được. Từ suy nghĩ đó ông quyết tâm nuôi trong đầu mình một chí hướng, phải làm sao để tạo ra được công ăn việc làm cho những số phận bất hạnh đó, bớt đi được phần nào gánh nặng gia đình. “ Đến thăm nhà anh bạn cũ cùng vào sinh ra tử tôi ứa cả nước mắt ra. Sinh được 3 đứa con thì giờ đây đều mắc các căn bệnh quái dị do di chứng chiến tranh để lại. Hễ nhìn thấy là lại thương chúng lắm . Tự nghĩ mình phải có trách nhiệm với các cháu nhiều”.- Ông Định bùi ngùi tâm sự. Vậy là đêm về ông trằn trọc suy tư nhưng bao nhiêu kế hoạch, công việc không phù hợp dành cho việc làm trẻ em khuyết tật được vạch ra cuối cùng đành phải gác bỏ lại. Giữa lúc đang “lụi tắt” ấy thì niềm vui đã ập tới, đôi mắt ông lão ngày ấy lại ánh lên một niềm hy vọng, tin vào ngày mai tươi sáng. Năm 2011 một tổ chức phi chính phủ của Mỹ tài trợ cho việc phát triển làng khảm trai Ngọ Hạ ( Chuyên Mỹ, Phú Xuyên, Hà Nội) mà chủ yếu dành cho những mảnh đời bất hạnh về đào tạo nghề xin việc cho họ. Không thể bỏ nỡ cơ hội hiếm gặp này. Ngày hôm đấy mặc dù trời mưa rất lớn, ông vẫn khoác áo tơi đi bộ một mình ra hợp tác xã để xin gặp bằng được nhà tài trợ, bày tỏ niềm mong ước, khao khát bấy lâu nay. “Lúc tôi trình bày với nhà tài trợ về ý định, mọi người đều cười bảo rằng, ông già lão như vậy thì làm sao kiêm nổi. Còn nhà tài trợ thì nắm chặt tay tôi khẽ nói, tuổi cao như vậy cụ có đảm nhiệm được không” – ông cho biết. Sau lời nói của nhà tài trợ ông Định vội lấy giấy bút ra ngay, viết ngay tại chỗ một bản tường trình về những kế hoạch nơi mình sẽ đến. Đọc xong nội dung, chủ dự án người Mỹ trầm trồ khen ngợi, tán thành với hướng làm của ông và đồng ý chính thức cho ông bắt tay luôn vào công việc. “Bao nhiều năm ấp ủ nguyện vọng, cuối cùng tôi cũng có cơ hội. Hôm đấy phấn khởi quá tôi cũng không về ăn cơm nhà mà mượn tạm một chiếc xe đạp của đứa cháu họ rồi bắt đầu ngay cuộc hành trình tìm kiếm của mình ” - Ông lão giọng hồ hởi chia sẻ. Địa điểm đến đầu tiên là các thôn làng trong xã Vân Từ. Ngày ấy xã Vân Từ là một trong những nơi có nhiều trẻ em khuyết tật, dị dạng nhất. Tại đây ông gặp chính quyền địa phương cung cấp cho đầy đủ danh sách những đối tượng nằm trong diện đặc biệt, xong đó là ông làm công tác “ tư tưởng” đến từng hộ gia đình. Suýt mất mạng vì “ nghiệp” Cứ đều đặn mỗi sáng, chuẩn bị cơm nắm muối vừng xong, ông cùng chiếc xe đạp lọc cọc gánh niềm tin của mình lên đường rong ruổi trên các huyện của tỉnh thành trong nước. Nghe bà Nguyễn Thị Bòng (vợ ông) chia sẻ về những lần ông đi gặp nạn mà chúng tôi khâm phục hơn ý chí người lính già khi đã ở cái độ tuổi gần đất xa trời. Người ông ấy bây giờ còn hằn lại nhiều vết sẹo, lần ấy có người báo tin cho ông biết về một gia cảnh ở Thường Tín rất cùng cực, nghe vậy ông tức tốc lên đường nhưng mới vừa đi đến ngã ba huyện thì bị một thanh niên điều khiển xe máy lạng lách tông phải khiến ông phải nằm viện mất cả tháng trời.
Ông được Chủ Tịch Uỷ Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội trao tặng về tấm bằng khen tấm gương người tốt việc tốt tiêu biểu năm 2012.
“Nói thật với hai chú ban đầu tôi và các con cũng không ưng việc làm của ông ấy đâu, lo lắng cho sức khỏe cuả ông ấy nhiều. Nhưng có lẽ vì việc làm đúng với tâm nguyện mà sức khỏe của ông ấy đã trở nên khỏe hơn trước, gia đình thấy vậy cũng bằng lòng không ngăn cản gì thêm nữa”. Thấy ông gặp nhiều khó khăn trong khâu đi lại, huyện Chương Mỹ đã hỗ trợ mua cho ông một chiếc xe máy nhưng ông cương quyết không lấy. Nơi ông tìm kiếm đến có những nơi hơn cả 100 cây số, túc tắc đạp xe sang tỉnh thành Hà Nam – Hưng Yên… Tiếng lành đồn xa, thấy nhà nào có con cái khuyết tật mọi người đều báo tin cho ông, và xa mấy ông cũng đến bằng được. Những chuyến hành trình tìm kiếm của ông lắm khi diễn ra cả tuần lễ, đạp xe hàng trăm cây số. Tìm được đến gia cảnh đã khó khăn vất vả, vận động dẫn giải cho gia đình có con em khuyết tật theo ông đi học nghề lại càng gian truân hơn. Bởi họ nghĩ chưa từng quen, nhỡ may giao người thân cho ông rồi ai biết chuyện gì sẽ xảy ra. Nhiều khi họ còn tưởng ông là kẻ buôn người. Hơn 10 năm nay gắn bó với nghiệp, cách gọi là “ lão Định gàn, hâm dở” cũng được những kẻ độc miệng truyền tai nhau. Nhưng ông bỏ mặc ngoài tai không hề hay hấn chuyện đồn thổi của những kẻ pha trò. Trái với những suy nghĩ của chúng tôi khi đến nhà ông. Căn nhà cấp 4 của ông nghèo nàn, sập xệ. Để có tiền lộ phí cho những chuyến đi, ông đã phải “chắt bót” bán đi từng mớ rau, con gà, những chú lợn còn đang độ tuổi lớn. Giờ đây đối với ông trường hợp nhớ nhất là chị Phạm Thị Út nhờ ông cưu mang hiện nay chị đã thành bà chủ, mở một cơ sở dạy nghề tạo điều kiện công ăn việc làm cho gần chục công nhân ở thị trấn Thanh Mai, huyện Thanh Oai, Hà Nội. “Lần tìm kiếm ấy tôi lên Ba Vì, Sơn Tây “ nhặt” những đứa trẻ về đào tạo nghề, đến ngã ba ở thị trấn Thanh Mai thấy một cháu gái gần 20 tuổi ngồi bán nước ở vỉa hè. Quan sát thì thấy cháu bé bị liệt hai chân, tôi liền hỏi chuyện và chia sẻ ngay về ý định công việc của mình. Sau khi nghe xong cháu đó vui mừng khôn xiết, hét cuống lên rồi xin phép bố mẹ theo tôi về học nghề. Đến nay cháu đã theo nghề thành thạo và có cơ sở riêng”. – Ông vui vẻ cười kể về cuộc hội ngộ đặc biệt này. Biết gia đình ông Định thiếu thốn, vài năm gần đây HTX Ngọ Hạ hỗ trợ cho ông hàng tháng một phần kinh phí đi lại nhưng ông quyết tâm lắc đầu không lấy mà dành số tiền ấy để động viên cho các cháu. Lúc chúng tôi chia tay ông ra về, vẫn câu nói chắc lịch ấy “ Còn sức khỏe ngày nào, tôi vẫn làm công việc mà tôi đã định”. Bà Nguyễn Thị Vui – Chủ nhiệm hợp tác xã Khảm trai Ngọ Hạ, huyện Chương Mỹ chia sẻ: “ Ở đây chúng tôi gọi ông Định là ông tiên ông bụt của đời thường, luôn coi ông là tấm gương sáng để nhìn vào. Hơn 10 năm qua ông đã giúp đỡ, cưu mang cho hơn 2.000 cháu chủ yếu là dị tật bẩm sinh bị câm điếc, thiểu năng trí tuệ trẻ em lang thang cơ nhỡ…ông như người cha hiền thứ 2 của bọn trẻ. Tôi mong sao ông vẫn có được sức khỏe như bây giờ để tiếp tục cứu giúp những mảnh đời bất hạnh khác vẫn đang còn ở đâu đó”.
Thanh Tuyển - Hải Biên
 
Top