Thắp lên ngọn lửa hy vọng sư thầy Thích Đàm Phúc, trụ trì tại chùa Vân Tiên hay còn gọi là chùa Đò ở

10,157
29
48

ALnML

Super Moderator
Thắp lên ngọn lửa hy vọng


Sư thầy Thích Đàm Phúc dành nhiều thời gian dạy dỗ những đứa trẻ thiếu may mắn.


“Dường như tôi có duyên với những sinh linh nhỏ bé sớm rơi vào cảnh ngộ khó khăn, ngang trái bởi vậy trong lòng luôn canh cánh một tâm nguyện được bao bọc, nâng cánh cho chúng bước vào đời như bao đứa trẻ không bị thiệt thòi khác”, đó là tâm sự của sư thầy Thích Đàm Phúc, trụ trì tại chùa Vân Tiên hay còn gọi là chùa Đò ở thị trấn Kinh Môn. Chùa Vân Tiên vẫn có dáng vẻ thanh tịnh, trầm lặng như bao ngôi chùa khác, nhưng giờ đây lại sinh động hơn bởi tiếng nô đùa của 4 đứa trẻ chơi ngoài sân. Nhìn những đứa trẻ hồn nhiên, đáng yêu ấy ít ai nghĩ rằng 1 cháu do gia đình khó khăn phải nương nhờ cửa Phật, 3 cháu còn lại bị mẹ bỏ rơi khi vừa mới sinh ra. Thầy Phúc nhớ lại ngày đón cháu Nguyễn Thị Ngọc Vân, đứa trẻ đầu tiên được thầy đón về chăm sóc đến tận bây giờ: “Nhà cháu Vân nghèo lắm, mẹ cháu bỏ đi khi cháu mới được 3 tháng tuổi, một mình bố nuôi hai con trong hoàn cảnh thiếu thốn đủ thứ nên thầy đã ngỏ lời nhận cháu Vân về nuôi”. Lúc đó, bé Vân mới được 3 tuổi, còm nhom, ốm yếu, hầu như tháng nào thầy Phúc cũng phải mời bác sĩ đến tận chùa khám cho cháu. Bé Vân năm nay đã 12 tuổi, thầy không chỉ kèm cháu học bài mà còn dạy cháu nghi lễ của nhà chùa cũng như những điều hay, lẽ phải từ đạo Phật. Câu chuyện về quãng thời gian chăm sóc hai bé Hứa Bảo Ngọc và Hứa Việt Anh còn gian nan hơn nhiều. Chỉ trong hai tháng 3 và 4 - 2006, thầy tiếp nhận nuôi hai bé bị bỏ rơi tại Bệnh viện Đa khoa Kim Thành (Kim Thành). Nhìn những sinh linh bé nhỏ chào đời thiếu tháng (đều được hơn 7 tháng) cân nặng chỉ có hơn 1,6 kg, thầy Phúc quyết định đưa chúng đi "ấp lồng" tại Bệnh viện Nhi Đức (Hải Phòng). Thầy ngày đêm túc trực tại bệnh viện trong thời gian "ấp" các cháu hơn 1 tháng trời nhưng các bé cũng chỉ tăng được 3 lạng. Mang những đứa con do “trời ban tặng” trở về chùa nuôi, hằng tháng, thầy Phúc lại đón xe khách lên Bệnh viện Nhi mua sữa cho các cháu rồi tất bật với từng bữa bột, bữa cháo, thuốc thang. Thầy Phúc nhớ lại: “Có đợt, đúng vào 30 Tết, bé Bảo Ngọc ốm nặng, thầy đón xe đưa cháu lên Bệnh viện Nhi nằm, tiêm 9 ngày liền mà cháu vẫn chưa khỏi. Bé Vân cũng như vậy, cứ trái gió, trở trời là lại ốm nên chăm hai bé này là vất vả nhất”. Bước sang năm 2007, thầy lại lo cho người phụ nữ đang mang bầu đến xin nhà chùa giúp đỡ, hai mẹ con được mẹ tròn con vuông thì chỉ sau 1 tuần người mẹ đó bỏ đi, để lại con cho nhà chùa chăm sóc. Giống như hai bé Việt Anh và Bảo Ngọc, thầy lại làm giấy khai sinh và đặt tên cho con theo họ của thầy là Hứa Nhật Quang. Bé Quang gây ấn tượng đặc biệt cho bất kỳ ai gặp bởi nét tinh nghịch, đáng yêu và mái tóc 3 chỏm như cậu bé chăn trâu bước ra từ câu chuyện cổ tích. Cả 4 “người con” của thầy giờ đây đã lớn hơn và khỏe mạnh hơn, đã biết lễ phép chào các phật tử đến chùa, biết giúp thầy thỉnh chuông. Nhìn chúng và ánh mắt của thầy Phúc luôn dõi theo từng bước đi của các bé, chắc chắn chúng sẽ được bao bọc và chắp cánh trong tương lai.

Cùng chung nỗi niềm với thầy Phúc còn có gia đình vợ chồng anh Vũ Văn Tùng và chị Đỗ Thị Cần ở xã Thái Học (Bình Giang). Anh chị lấy nhau đến nay được hơn 4 năm, khao khát có được đứa con nhưng chưa có. Trong lúc đó, được người quen mách bảo ở Bệnh viện Đa khoa Bình Giang có một bé trai bị bỏ rơi, anh chị và cả gia đình nội ngoại xin đón cháu về nuôi. Chị Cần còn nhớ như in cái ngày đặc biệt đó: “Cả nhà từ ông nội, cô bác, chú dì cùng hai vợ chồng tôi thuê xe xuống bệnh viện đón cháu. Cả nhà đều vui mừng vì nhận nuôi được một bé trai đáng yêu”. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ (cùng sinh năm 1983) còn nhiều thiếu thốn, phải ở nhờ nhà người bác ruột và mở một cửa hàng đồ điện dân dụng làm kế sinh nhai. Khó khăn là vậy nhưng anh chị cũng sắm sửa đầy đủ cho con từ quần áo đến mọi loại đồ chơi. Họ hàng cũng thay phiên nhau lên giúp hai vợ chồng chăm sóc con bởi trong hơn 2 tháng đầu, cháu khóc suốt cả ngày lẫn đêm. Chăm con, nhận thấy con có một số biểu hiện khác thường, anh chị liền đưa con lên Bệnh viện Nhi Trung ương khám. Nghe bác sĩ báo tin con nuôi bị dị tật não bẩm sinh và không có cách nào cứu chữa, càng thương con, anh chị lại càng dành nhiều tình cảm và chăm sóc con kỹ càng hơn. Hiện tại, bé không còn khóc đêm nhưng thỉnh thoảng lại xuất hiện những cơn co giật. Chị Cần đêm đêm nằm ôm con, không còn mệt mỏi vì phải thức đêm dỗ con khỏi khóc nhưng lại đau đớn hơn khi thấy con cả đời sẽ chỉ có thể "nằm ngoan ngoãn" như vậy.
Trẻ bị bỏ rơi được nuôi dưỡng tại Trung tâm Hoạt động nhân đạo tỉnh.

Tỉnh ta có hàng nghìn trẻ em bị bỏ rơi đều đã được Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh hoặc các cá nhân, gia đình có tấm lòng hảo tâm nhận về làm con nuôi hoặc nhận nuôi dưỡng. Hằng tháng, Nhà nước hỗ trợ cho các bé được nhận nuôi dưỡng 240 nghìn đồng/người/tháng, số tiền này hiện còn quá ít ỏi so với chi phí chăm sóc một đứa trẻ. Vì vậy, dù được nhận nuôi dưỡng nhưng hầu hết trẻ vẫn cần có sự đùm bọc, quan tâm của nhiều tấm lòng hảo tâm trong xã hội. "Tháng hành động vì trẻ em" năm nay kêu gọi toàn xã hội dành sự quan tâm đến trẻ em, đặc biệt đối với những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em khuyết tật, trẻ em lang thang và trẻ em bị bỏ rơi. Thông qua đó, kêu gọi trách nhiệm của những người làm cha, làm mẹ và toàn xã hội dành sự quan tâm, chăm sóc đến thế hệ măng non của đất nước. Với thông điệp như vậy, hy vọng những đứa trẻ thiếu may mắn ấy sẽ được sống trong vòng tay ấm áp của nhiều tấm lòng hảo tâm hơn nữa.

MINH HẠNH
 
Top