Tiêu chảy ở trẻ con

5,624
9
38

metyruoi

Active Member
Phải làm gì khi trẻ bị tiêu chảy


Tiêu ra toàn phân lỏng, chưa phải là tiêu chảy. Tiêu nhiều lần cũng chưa phải là tiêu chảy! Phải tiêu phân lỏng mà trên 3-4 lần trong ngày mới gọi là tiêu chảy! Tiêu chảy là một bịnh tự hạn chế, nghĩa là tự khỏi. Thế mà vẫn có nhiều trẻ chết vì tiêu chảy! Tại sao? Tại vì trẻ bị mất nước trong cơ thể. Nếu đựơc cho uống bù nước sớm và đầy đủ thì trẻ không chết đựơc! Bệnh dịch tã chẳng hạn, rất dễ chết nếu không kịp bù nước. Ngày nay ít tử vong nhờ người ta đã biết cách chữa: cho bệnh nhân nằm trên một cái giường có lỗ, đặt hậu môn ngay trên cái lỗ đó, bệnh nhân cứ việc ỉa ào ào vào đó, người ta đo số lượng phân thoát ra và bên trên bù lại bằng đường úông hay truyền dịch. Nếu bù sớm và bù đủ, bệnh nhân sẽ tự khỏi sau vài ba hôm. Dĩ nhiên điều quan trọng hơn là phải “ăn chín úông sôi” để tránh dịch tả.

Ta biết cơ thể trẻ có đến 75% là nước. Một bé cân nặng 10kg, đã có 7,5 kg là…nước. Do đó, chỉ cần tiêu chảy vài hôm, trẻ đã xẹp lép, mắt lõm sâu, da nhăn, môi khô, thở thoi thóp vì thiếu nước! Nhiều bà mẹ thấy con bị tiêu chảy thì sợ, không dám cho uống nước, nghĩ rằng uống nước vào bé sẽ tiêu chảy thêm. Đây là một thành kiến sai lầm tai hại đưa đến cái chết oan cho nhiều trẻ. Trong lúc tiêu chảy, vẫn phải cho bé bú, cho bé ăn, vì tuy bị tiêu chảy nhưng ruột bé vẫn hấp thu đựơc phần lớn thức ăn, bé vẫn cần được cung cấp năng lượng đầy đủ để mau khỏi bệnh và còn để phát triển nữa! Khi bé tiêu chảy, bà mẹ phải chú ý quan sát kỹ phân của bé. Phải nhìn cho thật kỹ xem phân có màu gì và nếu cần, phải… ngửi để xem phân có mùi gì…? Nếu phân lổn nhổn, hoa cà hoa cải, có màu xanh, có mùi chua chẳng hạn- và nếu trẻ đang được bú sữa mẹ- thì đó là tiêu chảy sinh lý, không lo, không cần chữa trị gì cả vì không phải bệnh! Bé tiêu “xèn xẹt” như vậy mà vẫn khỏe, vẫn mau lớn vì sữa mẹ là thứ sữa tốt nhất dành cho bé, hoàn toàn vô trùng, có tính acid cao, kích thích đường ruột làm cho bé đi phân loãng nhiều lần nhưng không nóng sốt, vẫn vui, vẫn chơi, vẫn lên cân đều đều Trái lại, thấy trẻ tiêu chảy mà có nóng sốt, bỏ ăn, bứt rứt, khó ngủ thì đó là tiêu chảy nhiễm trùng. Nếu thấy phân lợn cợn máu như máu cá, có mùi khấm, thì do nhiễm trùng E.coli, thuờng gặp ở trẻ bú bình mà thiếu vệ sinh bình bú, núm vú. Nếu sốt cao, phân có đàm máu thì thường do trực khuẩn Shigella (gọi là Lỵ trực trùng), phải đưa vào bệnh viện gấp, vì có thể trẻ sẽ bị làm kinh, co giật, rất nguy hiểm.!

Đa số các bà mẹ thấy con tiêu chảy, ói mửa thì rất hoảng sợ, muốn bác sĩ cho thuốc gì để chấm dứt ngay cơn ói ỉa. Bác sĩ mà chiều lòng, chích hay cho uống một thứ thuốc làm… liệt ruột, thì bà mẹ sẽ rất vui lòng, nhưng đã làm hại thêm cho trẻ! Các thứ thuốc làm liệt ruột đó đều có chất á phiện. Phân không thoát ra ngoài đựơc, bị ứ đọng lại, bụng sình chướng lên, gây thêm nhiều tác hại! Nếu đựơc giải thích kỹ, bà mẹ sẽ yên tâm, chấp nhận cho trẻ tiêu chảy thêm vài ba hôm nữa cho ra hết phân độc đi thì mọi thứ sẽ tốt hơn! Dĩ nhiên là vẫn phải uống bù nứơc và thuốc men theo toa bác sĩ.

Tóm lại, để tránh tiêu chảy cho trẻ, tốt nhất nên cho trẻ bú mẹ từ lúc mới sanh đến ít nhất 12 tháng tuổi. Nếu phải bú sữa nhân tạo thì tuyệt đối giữ vệ sinh bình bú, núm vú, và pha sữa cho đúng chỉ định. Khi trẻ đã lỡ bị tiêu chảy thì bình tĩnh, cho uống bù nước sớm và đầy đủ, vẫn tiếp tục cho bú mớm, cho ăn, và làm theo y lệnh của bác sĩ. Đừng nóng ruột uống sái phiện, tam xà đởm…, hay đòi chích thuốc, uống thuốc cầm ỉa tức khắc vì như đã nói, rất nguy cho trẻ!

http://www.dohongngoc.com/web/o-noi-xa-thay-thuoc/hoi-dap/phai-lam-gi-khi-tre-bi-tieu-chay/

BS Đỗ Hồng Ngọc


 
5,624
9
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Tiêu chảy ở trẻ con

Ghi chú: Không ngờ bài viết “Phải làm gì khi bé bị tiêu chảy” trên trang www.dohongngoc.com này lại được đọc nhiều đến vậy! Không chỉ ở trong nước mà cả ở ngoài nước, gần như khắp nơi trên… “thế giới”. Thì ra đây là một chuyện “lớn” (đại sự) đúng nghĩa của kiếp nhân sinh, từ sơ sinh đến già lão. Rất nhiều câu hỏi đã gởi về đầy ưu tư lo lắng, đề nghị tư vấn, do vậy, xin có bài trả lời chung này vậy. Thân mến,
BS Đỗ Hồng Ngọc

Bà mẹ nào có con nhỏ bị tiêu chảy cũng thấy đắng chát cả miệng mồm, khô khốc cả cổ họng và chỉ mong sao cho bé được “cầm ỉa” ngay tức khắc, nghĩa là mong có cách nào làm dứt ngay cơn “ỉa chảy” của bé. Và đó là lý do tại sao trong phòng Cấp Cứu ở các khoa Nhi vẫn thường gặp những ca ngộ độc sái thuốc phiện, á phiện, thuốc chích thuốc uống này khác làm cho bé bị liệt ruột, bụng chướng lên, thở thoi thóp, đồng tử (con ngươi) teo nhỏ như đầu đinh ghim! Có trường hợp chết oan là vì vậy, không kể các trường hợp chết vì khô nước, mất nước trong cơ thể.

Tiêu chảy cấp thưc chất là một… phản xạ có ích cho cơ thể, nhằm tống hết chất độc ra ngoài đường ruột, một khi ruột bị rối loạn, bị nhiễm trùng, nhiễm độc, như trường hợp ngộ độc thực phẩm, dùng sữa ôi thiu… Còn trưòng hợp tiêu chảy kéo dài do sai dinh dưỡng (đưa đến suy dinh dưỡng), do dùng kháng sinh không đúng cách làm tiêu hủy những vi sinh vật vốn rất có ích trong đường ruột hoặc do trẻ “không chịu”, “không hạp” với một thứ sữa nào đó thì phải ngưng thuốc kháng sinh và điều chỉnh cách dinh dưỡng sao cho đúng. Có khi chỉ vì pha chế sữa không đúng (đặc quá hoặc loãng quá) cũng gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy hoặc bón… Nhiều bà mẹ bây giờ thích nghe bày vẻ, nghe quảng cáo, cứ thay sữa xoành xoạch. Trẻ chưa kịp làm quen với thứ sữa này đã phải làm quen sữa khác, đương nhiên phải “rối loạn tiêu hoá” thôi. Thức ăn dặm cũng vậy. Phải có thời gian cho bé quen một thứ thức ăn mới (thịt, cá, trứng, rau, đậu…), nếu thấy tốt, cứ nên tiếp tục, miễn là cân đối, đủ 4 nhóm “bột, đạm, dầu, rau” và thấy trẻ tăng cân tốt là được (Đọc thêm “Nuôi con sao cho giỏi” trong Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng). Cũng nên biết có thứ tiêu chảy không phải bệnh thường gặp ở bé bú sữa mẹ, gọi là tiêu chảy sinh lý, càng “lẹt xẹt”, “hoa cà hoa cải” càng mau lớn. Khi bắt đầu được cho ăn dặm (ăn sam) thì trẻ sẽ không còn tiêu chảy lẹt xẹt như vậy nữa.

Nhớ rằng tiêu chảy nhiễm trùng ở trẻ do siêu vi hay do E.Coli thì cũng phải 4-5 ngày mới khỏi, miễn là không bị mất nước, làm trầm trọng thêm. Nhiều bà mẹ đi khám bác sĩ vài ba hôm thấy không bớt, đến thầy “lang băm” cũng vừa đúng thời điểm dứt bệnh, thế là thầy nổi tiếng. Không kể trường hợp uống sái phiện như đã nói trên. Lỗi ở bác sĩ không chịu giải thích rõ, không hướng dẫn kỹ cho bà mẹ yên tâm.

Đa số các bà mẹ thấy con “ỉa ra nước” thì không dám cho uống nước, sợ càng uống càng ỉa thêm. Điều này sai! Bởi không cho uống, bé vẫn ỉa ra nước như thường! Nước này tứ đâu ra? Nước từ trong tế bào và từ trong máu. Do vậy, dễ dẫn tới khô máu, khô tế bào mà chết. Trên thế giới, hằng năm có vài ba triệu trẻ em dưới 5 tuổi chết vì tiêu chảy mất nước như vậy, cũng chỉ vì bà mẹ không dám cho uống nước bù. Ngày nay, người ta biết rõ nguyên nhân gây tử vong của trẻ tiêu chảy không phải do nhiễm trùng mà do mất nước nên đã khuyến khích các bà mẹ cho con uống bù nước sớm khi trẻ vừa tiêu chảy. Nhờ vậy mà cứu được rất nhiều trẻ nhỏ. Nếu không cho uống nước thì bệnh sẽ nặng hơn và kéo dài hơn. Nếu không cho ăn thì trẻ sẽ đói, kiệt sức. Mặc dù ruột đang “yếu”, trẻ vẫn hấp thu được phần lớn thức ăn. Cần cho ăn nhiều bữa, ăn nhẹ, loãng, dễ tiêu… Pha sữa đúng cách và cho ăn trở lại bình thường càng sớm càng tốt, nếu cần dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Nước uống bù trong tiêu chảy tốt nhất là Oresol, còn gọi là “nước biển khô”, có ở các Trạm Y tế hoặc các nhà thuốc, đem về pha vào một lít nước chín (đun sôi để nguội, phải pha với đúng một lít) cho bé uống bù ( cả người lớn bị tiêu chảy cũng vậy). Ở những nơi không tìm được Oresol thì pha nửa muỗng muối (loại muỗng cà phê 5ml) với sáu muỗng đường vào trong một lít nước chín. Nếu có chanh hay cam, nặn vào một ít càng tốt để có thêm chất muối Kali (potassium).

Điều quan trọng, không nên để trẻ tiêu chảy. Nên cho bú mẹ ít nhất 6 tháng. Bú mẹ thì yên tâm, khỏi phải lo gì cả! Nếu bú bình, thì phải giữ vệ sinh bình bú, núm vú thật tốt, pha chế đúng tỷ lệ. Biết cách cho ăn dặm. Nếu bé lỡ bị tiêu chảy thì bình tĩnh, cho uống bù nước sớm và đưa đến bác sĩ khi cần.

http://www.dohongngoc.com/web/o-noi-xa-thay-thuoc/tieu-chảy-ở-trẻ-con/
 
Top