Ðề: TRỰC TIẾP - Đến với các bé dân tộc trường mẫu giáo và tiểu học Diên Lãm, miền núi Quỳ Châu, Nghệ An
Đất nghèo hiếu học
http://vovnews.vn/Home/Dat-ngheo-hieu-hoc/20109/155276.vov
(VOV) - Người mẹ không biết chữ, sáng sáng đưa 2 con tới trường rồi mới lên nương làm rẫy, trưa lại cuốc bộ từ rẫy ra trường đón con. Cái ăn, cái mặc còn thiếu, nhưng không vì thế mà mọi người xem nhẹ sự học.
Đầu năm học mới, miền đất nghèo khó mà hiếu học xứ Nghệ lại một lần nữa thôi thúc chúng tôi, những thành viên của nhóm thiện nguyện Chia sẻ tình thương
www.chiasetinhthuong.org/diendan lên đường.
Ngày 18/9/2010, chúng tôi trở lại
miền núi Quỳ Châu, Nghệ An, đến với các bé dân tộc Thái trường mẫu giáo và tiểu học xã Diên Lãm. |
Đồng thời với chuyến đi của các thành viên miền Bắc là chuyến đi của các thành viên ở miền Trung (ngày 19/09/2010, đến thăm và tặng quà cho các em ở trung tâm BTXH TP Đà Nẵng nhân dịp Tết Trung Thu).
Những chuyến xe tình người …
Huyện miền núi Quỳ Châu (Nghệ An) có 39 trường học các cấp trên địa bàn 12 xã thị trấn trong huyện với số lượng học sinh gần 10.000 em. Trong đó bậc tiểu học có 16 trường, mầm non có 12 trường và THCS có 11 trường. 78% trong tổng số học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Có 27 trường thuộc các địa phương khu vực vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn trong diện hỗ trợ theo chương trình 135, 134 của Chính phủ với hệ thống các điểm trường phụ đến tận các bản.
Trường tiểu học Diên Lãm ở Bản Chao, xã Diên Lãm, là một trong những trường khó khăn, xa xôi của huyện miền núi này, nằm cách thành phố Vinh 170km, cách thị trấn Quỳ Châu hơn 30km, trong đó hơn 20 là đường nhựa, còn lại là đường đất đang thi công. Trường có 1 điểm chính và 2 điểm lẻ cách đó 3-5km, với 20 thày cô giáo, 200 học sinh, tất cả đều là người dân tộc Thái. Trường mẫu giáo Diên Lãm ngay cạnh đó, có 130 cháu từ 3 đến 5 tuổi.
Trước ngày khởi hành 1 tuần, vì lường trước được đường đi vô cùng khó khăn do đường đất đang thi công, lại đúng mùa mưa, sạt lở và nguy hiểm, nên 1 xe tải chở hàng ủng hộ đã được chuyển lên trước, bao gồm: 238 chiếc cặp sách, hàng trăm áo đồng phục, 4.760 quyển vở, 238 bộ đồ dùng học tập gồm hộp bút, bút mực, bút chì, thước kẻ, tẩy, gọt bút chì; 330 chiếc cắt móng tay, gần 100 mũ len, gần 200 đôi tất len, 360 bộ dầu gội đầu và dầu tắm, 360 túi du lịch, 360 bộ mặt nạ và đèn Trung thu, 440 kg gạo; cùng rất nhiều bánh kẹo, sữa đặc, phấn viết bảng, quần áo, sách truyện cũ, đồ chơi, với tổng trị giá khoảng 70 triệu đồng.
Hôm đó, xe phải dừng cách trường gần 10km, và hàng được chuyển sang xe tải thùng mượn của đơn vị đang thi công đường, loại xe chuyên dụng chở gỗ, đá, cũng là phương tiện tải nặng duy nhất có thể đi vào đến trường.
Lần này, xe chở hơn 30 thành viên của đoàn, dù trời đã hết mưa cách đó vài ngày, nắng to, nhưng do những đoạn đường đang thi công và những đoạn sạt lở do đợt mưa trước nên cũng không thể đi tiếp. Gần 10km còn lại chúng tôi cũng lại được “chuyển” sang đi xe thùng, các thành viên CSTT gọi đùa là “taxi Quỳ Châu”.
Gia đình khuyến học, thày cô hiếu dạy, con trẻ hiếu học …
Mảnh đất cằn cỗi Quỳ Châu chỉ duy nhất cây lúa nước, lúa nương, ngô, sắn là sống được lay lắt, năng suất rất thấp. Người dân ở đây sống dựa vào nghề “đi rừng” – chặt cây lấy gỗ bán - là chủ yếu. Cái ăn, cái mặc còn không kham nổi, tưởng chừng nói gì đến cái chữ. Vậy mà điều làm chúng tôi mừng đến khôn xiết là sự khuyến học thành tâm của các bậc làm cha, làm mẹ ở đây.
Chị Hà Thị Kim, nhà ở bản Na Luộc, có 2 đứa con. Bé Trương Văn Thông học lớp 3C trường tiểu học, bé Trương Văn Minh 5 tuổi học trường mẫu giáo. Chị Kim người gày gò, nhỏ thó, đen sắt vì cuộc đời lam lũ bán mặt cho đất bán lưng cho giời trên nương, tâm tình với chúng tôi bằng giọng Kinh chưa sõi: “Con nó thích học lắm cô ơi, phải cho con học thật giỏi!.” – “Học để làm gì?” – “Học để làm cô làm thày, đi dạy lại chữ cho trẻ con.” – “Học đến lớp mấy thì nghỉ?” – “Học hết chữ thì nghỉ. Con thích học mà, không cho con nghỉ đâu. Cám ơn thày cô lắm lắm”. “Nhà xa lắm, đi chân không thôi, không có xe, khô…ổ… lắm!”
Âm cuối kéo dài nghẹn ngào nhọc nhằn. Người mẹ không được học chữ này vẫn hàng sáng đưa 2 con tới trường, rồi mới lên nương làm rẫy, trưa lại từ rẫy đến trường đón con. Câu chuyện về chị mang đến cho chúng tôi niềm vui khôn xiết. Hành động thể hiện sự quan tâm chăm lo đến việc tới trường của con này tưởng chừng rất đỗi đơn giản, thường nhật đối với các phụ huynh vùng xuôi, lại là một bước tiến dài đối với bà con miền ngược. Thật đáng quý lắm thay!
Mẹ con chị Kim
Ngồi chung xe với tôi suốt quãng đường gần chục km vào trường, thày giáo Vi Văn Thuận, người đã có hơn chục năm đứng lớp, kể: những năm học gần đây các gia đình quan tâm đến việc học hành của con cái hơn những năm trước rất nhiều, việc bắt con nghỉ học ở nhà gần như không còn. Chỉ có điều cuộc sống còn nhọc nhằn quá, bố mẹ phần đông lại không biết chữ, thành ra áp lực dạy và “trồng người” vẫn là trách nhiệm hoàn toàn của các thày cô. Đầu năm học các thày cô thường phải bỏ tiền túi ra hỗ trợ học sinh đồ dùng học tập. Mùa đông rét cóng mà có cháu chân trần, trên người độc 1 bộ quần áo mỏng, cầm lòng không đặng, các thày cô lại mang quần áo cũ của con em mình hoặc đi xin quần áo cho. Những ngày mưa lũ, học sinh không thể đến trường, các thày cô dạy bù vào buổi chiều hoặc những ngày nghỉ để cho kịp chương trình, mà hoàn toàn không có thêm trợ cấp nào. Đem chuyện làm bài tập về nhà ra hỏi bé Ngân Văn Hợp lớp 5B, bé kể: “Thày ít cho bài về nhà, vì về nhà cũng không có ai giảng cho. Bài nào về nhà không hiểu, hôm sau thày sẽ chữa trên lớp hoặc giảng thêm cho từng bạn khi hết tiết học”. Công việc tưởng chừng như đơn giản, nhưng kéo dài suốt bao năm của cuộc đời một nhà giáo, mới thấu hiểu sự tận tâm của các thày cô nơi đây để làm tròn trách nhiệm với cuộc đời.
Ngân Văn Hợp và cô giáo
Với dáng người nhỏ thó, ánh mắt như biết nói và đôi má lúm đồng tiền thật xinh, cậu bé Ngân Văn Hợp, lớp 5B rụt rè kể với chúng tôi, “bố mẹ con bỏ nhau từ lâu rồi, con ở với bố nhưng bố đi rừng suốt, con ở nhà với ông bà nội… Sáng con nhịn đói đi học, quen rồi con không thấy đói, trưa và tối mỗi bữa con được ăn 2 bát cơm, với muối thôi, canh cũng không có … vì ông bà già lắm rồi không trồng được rau, cũng không đi tìm rau rừng được...”
Câu chuyện cứ ngắt quãng vì cả chúng tôi và em đều rớt nước mắt. “Con chỉ biết mình sinh năm 1999 chứ không biết ngày tháng nào… Mẹ thi thoảng cũng có về nhà, mua cho con đôi dép và bộ quần áo mới… Con mong mẹ về lắm. Mà mẹ có chồng có em khác rồi. Bố đi rừng tuần về 1 lần, mang theo gạo và muối cho cả nhà. Lần nào về bố cũng bảo mang sách vở bố xem, điểm kém bố không mắng đâu, chỉ bảo: “Cố lên con, cho khỏi mù chữ. Học để sau làm người tốt (!!!)”.
“Sau giờ học con về nhà gùi nước từ khe về nhà ngày 3 chuyến, đủ dùng cho ông bà và con, gùi nước xa, nặng, đau lưng lắm, nhưng ông bà già rồi, con phải cố gùi thôi”(!)
Nhìn đôi chân trần chai sạn, tôi nghẹn ngào hỏi “vậy hàng ngày cứ đi chân trần đường rừng tới lớp thế này sao?”, bé đáp “Đau nhưng con cố chịu, bố bảo lần tới đi rừng về có tiền bố mua dép cho.”
Bé mặc trên người chiếc quần khá mới nhưng áo thì ngả màu vàng khè và sờn rách, “nhà chỉ còn đủ tiền mua quần thôi, hết tiền mua áo rồi. Con có 2 chiếc áo, ở nhà còn 1 cái cũ hơn cái này”. Tôi chả biết nói sao, chỉ cố ngăn nước mắt cứ chực trào ra.
Cô bé Quang Thị My, nhà ở bản Naca, một trong những học sinh giỏi của lớp 5A, chữ viết rất đẹp. “Sáng con dây từ 5h sáng, ôn bài đến 6h rồi đi học, 7h mới đến được trường vì nhà cách trường 5km đường rừng. Mẹ chuẩn bị cho hộp cơm mang đi, cơm không thôi, không canh, không muối. Trưa con ở lại trường, không ngủ đâu, tranh thủ học bài rồi chiều học tiếp. Tối về nhà còn quét nhà, nấu cơm, rửa bát, trông em, ngày nghỉ thì lên nương cuốc rẫy cùng bố mẹ.”
Vở của bé Quang Thị My
… “Nhà con nghèo lắm nhưng bố mẹ bảo các con phải cố gắng học, sau này lớn lên con muốn làm cô giáo, vì cô giáo có thể giúp mọi người học chữ”. Nói đến đây mắt cô bé ánh lên, và tôi tin rằng, với sự khích lệ của gia đình, sự tận tâm của thày cô, ý chí quyết tâm của bản thân, cô bé sẽ làm được điều mình mong muốn. Đó cũng là ước mong của Chia sẻ tình thương, của tôi, của bạn, của tất cả chúng ta, để một ngày không xa, Quỳ Châu – vùng đất nghèo khắc nghiệt, sẽ được nhắc đến bởi những tấm gương vượt nghèo- kiếm chữ.
Những chuyến xe ôm và "taxi Quỳ Châu" đưa nhóm Chia sẻ tình thương đến với các em bé nghèo
Trao quà cho Ngân Văn Hợp- lớp 5, cậu bé chân đất đi học
Màn văn nghệ "cây nhà lá vườn" giao lưu với các em
Theo Chiasetinhthuong.org