Bệnh lạ ở Mường Chiềng

5,624
9
38

metyruoi

Active Member
ANTĐ - Một người chết, 7 người còn lại quằn quại trong đau đớn. Tất cả họ đều bị bệnh từ nhỏ và chưa một lần được cắp sách tới trường. Và, trong lần quay trở lại Mường Chiềng này, chúng tôi nhận thấy, số bệnh nhân vẫn đang tăng lên.

Hy vọng mong manh

Người được phát hiện mắc bệnh đầu tiên ở xã Mường Chiềng là Xa Văn Hải, ở xóm Chum Nưa và Hải chỉ chống chọi đến năm 8 tuổi thì qua đời (mất năm 1993). Về Mường Chiềng lần này, chúng tôi ghé thăm nhà chị Hà Kim Ngọc, ở xóm U Quan khi chị mới sinh đứa con đầu lòng được 2 tháng. Bé trai con chị Ngọc được ghi nhận là trường hợp mới nhất của xã mắc phải căn bệnh quái ác này. Thấy chúng tôi đến, Ngọc vén chiếc nôi đan từ mây rừng bế lên đứa con còn đỏ hỏn.


Chị Ngọc và đứa con 2 tháng tuổi đã bắt đầu phát bệnh

Chỉ vào những vết bong tróc bắt đầu lên vảy xuất hiện trên đầu của con mình, chị nói: “Em sợ lắm, cháu nhà em bắt đầu xuất hiện những vết như thế này khoảng 1 tháng nay. Em bôi cho cháu mấy thứ thuốc mỡ chữa bệnh ngoài da nhưng không khỏi. Lúc đầu chỉ là những vết mẩn đỏ, nhưng vết mẩn ấy ngày một lan rộng. Giờ đây nó đã lan xuống chân và tay cháu. Cứ nhìn cảnh mấy người bị bệnh trong xã là em đã sợ. Người ta bảo, thuốc Tây không khỏi được đâu. Đi chữa tận Hà Nội còn chẳng ăn thua nữa là. Thế nên em đang đi cắt thuốc Nam cho cháu uống”. Nói rồi, chị lại xuýt xoa: “Mấy bữa trước mẹ em còn vào trong rừng hái thêm lá thuốc về đun nước tắm cho cháu. Những hôm được tắm nước lá, chắc đỡ ngứa nên cu cậu không ọ ẹ nhiều. Em hy vọng nếu tắm lá thuốc thường xuyên thì cháu sẽ đỡ”.

Chị Hà Thị Lành - cán bộ Trạm y tế xã bỏ nhỏ vào tai tôi: “Nhà Ngọc nghèo lắm, mẹ chồng vừa mới mất, hai vợ chồng bán cả con bò đi lấy tiền chạy chữa mà bà cụ cũng không khỏi. Tiền bán bò hết cũng là lúc bà cụ ra đi. Lo ma chay xong còn đang nợ người ta 2 triệu đồng chưa trả được thì đào đâu ra tiền mua thuốc chữa bệnh cho con. Thế nên bây giờ nó chỉ dám chữa bệnh bằng lá rừng thôi. Lá thuốc thì trong rừng vô khối và chẳng mất tiền”. Hàng ngày, chồng Ngọc ra xã làm phụ hồ kiếm vài chục nghìn bạc lấy tiền nuôi cả nhà. Tôi nhìn khắp căn nhà sàn vách thưng bằng mấy thanh lồ ô rừng đập giập chẳng thấy đồ đạc gì đáng giá ngoài chiếc nôi đang kẽo kẹt đu đưa. Khốn thay thứ tài sản lớn nhất của 2 vợ chồng là đứa bé đang nằm trong chiếc nôi ấy cũng đang dở sống dở chết với căn bệnh quái ác.
Có một điểm chung của những mảnh đời khốn khổ này là họ nghèo, rất nghèo. Thế nên, bệnh càng ngày càng nặng và cái vòng luẩn quẩn ấy khiến họ đành mặc kệ, buông xuôi.

Hãy cứu lấy chúng tôi

Thực ra, năm 2008 sau khi Báo An ninh Thủ đô đăng tải về căn bệnh này của những người dân ở Mường Chiềng, các cơ quan y tế cũng đã vào cuộc. Lúc đó gần như tất cả những gia đình có người mắc bệnh đã từng rất hy vọng vào các y bác sỹ sẽ giúp họ tìm ra nguyên nhân căn bệnh và có phương thuốc chữa trị kịp thời. Tiếc rằng, sau đó người ta đã có kết luận rằng, đây là bệnh khô da sắc tố bẩm sinh, nhưng nguyên nhân từ đâu và cách chữa trị thế nào thì vẫn còn bỏ lửng. Theo nhận định của các cơ quan y tế thì 100% bệnh nhân mắc chứng bệnh này có tổn thương mắt và 25% có tổn thương tới thần kinh. Điều đó dẫn tới hầu hết bệnh nhân đều chậm chạp, khó tiếp xúc và không hòa đồng.

Bà Xa Thị Thành, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Mường Chiềng bảo: “Ban đầu có giả thiết đặt ra là nguyên nhân căn bệnh do gien lặn và quan hệ cận huyết giữa những người cùng dòng họ. Thế nhưng tại xã tôi có nhiều gia đình không hề có quan hệ huyết thống gì mà vẫn bị. Thế nên quan điểm đó không có cơ sở”. Bà Thành bùi ngùi: “Chúng tôi không có máy móc và các điều kiện khác để chữa cho bệnh nhân bởi điều đó vượt quá khả năng chẩn đoán và chữa trị của trạm y tế xã. Chỉ biết hy vọng vào cấp trên”.

Thế nhưng khi tôi đưa vấn đề này ra hỏi bà Bùi Thị Mậu - Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Hòa Bình, bà Mậu lại vò đầu kể khổ: “Trước đây, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cũng đã từng phối hợp với Viện Da liễu Quốc gia tiến hành nghiên cứu và vạch phác đồ điều trị cho những bệnh nhân của Mường Chiềng. Tất cả những bệnh nhân thuộc diện theo dõi nói trên đều là đồng bào dân tộc Tày. Thế nhưng ngành y tế cũng chỉ giúp chữa “thí điểm” được cho 2 trường hợp. Số còn lại thì người dân phải tự túc. Vẫn biết là đồng bào thì nghèo, không có tiền chữa bệnh nên càng ngày càng nặng, nhưng khổ nỗi căn bệnh này cũng chẳng nằm trong chương trình hàng năm nào của ngành y nên muốn xin cấp phát thuốc miễn phí cho họ cũng rất khó khăn. Thế nên, mọi chuyện vẫn đâu đóng đấy”.

Giờ đây ở Mường Chiềng những người bị bệnh và ngay cả người thân của họ vẫn đang ngày đêm gặm nhấm nỗi đau và đành chấp nhận số phận. Buồn hơn, sau chừng ấy năm đã có thêm những đứa trẻ mới trở thành nạn nhân của căn bệnh quái ác này. Và cũng chẳng ai dám khẳng định là bệnh chỉ tìm đến chừng đó con người. Những người mắc bệnh ở Mường Chiềng hiện nay sức khoẻ rất yếu. Tôi rời Mường Chiềng, mang theo niềm hy vọng lớn lao và gửi gắm cả vào bài viết, với mong ước sẽ lại có những đoàn bác sỹ, những nhà khoa học quay lại mảnh đất này, để người dân nơi đây vững tâm hơn trong cuộc sống.

Nguyễn Long

http://www.anninhthudo.vn/Phong-su/B...ng/408417.antd
 
5,624
9
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Bệnh lạ ở Mường Chiềng

"Tôi quỳ xuống xin mọi người hãy cứu họ đi"

(VTC News) - "Tôi xin, tôi xin quỳ xuống, mong mọi người, các bác sĩ hay cứu lấy đi, nhìn họ thương tâm quá", "Mong VTC hãy lập quỹ ủng hộ để độc giả cả nước có thể chung tay giúp đỡ những người bị bệnh" - Độc giả khắp cả nước chia sẻ và kêu gọi giúp đỡ những người bị mắc căn bệnh kì quái ở Hòa Bình.

Theo phóng sự "Bệnh lạ ở Hòa Bình" do nhóm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện ở Mường Chiềng, Đà Bắc, Hòa Bình được chúng tôi đăng tải trên chuyên mục Bản tin truyền hình hôm 23-8, ở xã nghèo miền núi này đã có 8 bệnh nhân bị mắc căn bệnh lạ, trong đó một người đã tử vong vì bệnh. Bệnh nhân đều là nam giới, có triệu chứng bệnh giống nhau.

Các vùng da nơi tay, cổ, gáy đặc biệt là mặt bị khô cứng lại và rạn nứt khiến khuôn mặt bị biến dạng hoàn toàn. Ngoài ra còn có hiện tượng sừng hóa cả các tế bào giác mạc, kết mạc dẫn đến mù mắt. Ban đầu, khi bệnh mới xuất hiện chỉ là những chấm nốt đỏ nhỏ, sau đó lan rộng ra khắp cơ thể, bệnh nhân ngứa ngáy, đau đớn và lở loét.

Hơn 30 năm trước, anh Xa Văn Thao (sinh năm 1977) khi ấy chưa đầy 2 tháng tuổi đã mang trong mình căn bệnh kì quái. Hiện các vết thương đã ăn vào mặt, vào mắt và anh đã không còn nhìn rõ. Càng đau xót hơn là em Xa Văn Nhất, em trai của Thao cũng mắc bệnh giống anh mình.

Hiện bệnh của Nhất còn nặng hơn cả anh Thao. Nhà nghèo, không thể đưa con đi khám chữa, vợ chồng ông Xa Văn Chiều chỉ biết cặm cụi nuôi con được ngày nào hay ngày ấy. Có chứng kiến bữa ăn kham khổ của họ mới thấy vợ chồng ông Chiều, bà Mơng đã phải vất vả đến nhường nào mới nuôi được hai cậu con trai bệnh tật suốt bao năm qua.


Hai anh em Xa Văn Thao và Xa Văn Nhất (ảnh chụp từ video)


Cũng giống như anh Thao và Nhất, Xa Văn Thành và các bệnh nhân khác cùng với gia đình ngày ngày đối mặt với nỗi đau, chữa trị bằng đủ thứ thuốc Tây, thuốc ta, thuốc Nam, thuốc Bắc mà bệnh vẫn không hề thuyên giảm. Tội nghiệp nhất là em Xa Văn Tâm (sinh năm 1998), hơn 13 năm em sống trên cõi đời là hơn 13 năm em một mình chống chọi với căn bệnh. Người dân Đà Bắc đã quá quen thuộc với hình ảnh em Tâm hình hài lở loét, lầm lũi trong chiếc áo sơ-mi kẻ lấm lem, bốc mùi.

Có lẽ chiếc áo ấy sẽ gắn chặt với em cho đến khi chết nếu như không được chữa trị kịp thời. Người ta nhận thấy em từ xa cũng chính nhờ mùi cơ thể em phát ra. Em chẳng thể đứng lâu được một chỗ vì hễ em ở đâu, côn trùng lại vây bám lấy em. Nhìn em nghẹn ngào nói trong nước mắt "Cháu đau, cháu ngứa, khó chịu lắm, cháu không muốn bị đau..." mà người xem không cầm được nước mắt. Ước mơ được mạnh khỏe, đi học và nô đùa như bao đứa trẻ đồng trang lứa khác của em đã bị căn bệnh quái ác cướp mất từ khi em mới sinh ra. Được biết, hiện nay, người ta chẳng còn thấy em ở gốc cây quen thuộc, giờ em đi đâu, về đâu, số phận em thế nào không ai rõ.


Cậu bé Xa Văn Tâm tội nghiệp (ảnh chụp từ video)


Nói về căn bệnh, lúc đầu người ta cho rằng đây là "bệnh lạ". Không chỉ người nhà bệnh nhân hoang mang về bệnh tình con em mình mà ngay cả các bác sĩ ở bệnh viện địa phương cũng chưa hiểu đó là bệnh gì. Báo chí một thời gian đưa tin về căn bệnh này và gọi đó là bệnh "quỷ ám" hay "người da rắn"...càng khiến cho người nhà bệnh nhân nói riêng và người dân huyện Đà Bắc nói chung lo lắng, sợ hãi.

Người bệnh vốn dĩ đã phải vật lộn với cơn đau đớn đang ăn dần ăn mòn cơ thể lại thêm tâm lý tự ti, bị người dân xung quanh kì thị, xa lánh nên hàng ngày chỉ dám quanh quẩn, lầm lũi trong xó nhà. Cha mẹ các em ngậm ngùi nhìn những đứa con dứt ruột đẻ ra mang bệnh tật bẩm sinh mà lòng quặn đau, vò xé trong bất lực. Mỗi lúc xảy ra va chạm, hiềm khích người đời lại lời ra, tiếng vào dè bỉu "cái nhà hủi" lại càng thêm tủi phận.


Nước mắt em rơi khi được hỏi về tương lai, vết thương da thịt lại càng xót... (Ảnh chụp từ video)

Cho đến khi các chuyên gia Viện da liễu quốc gia vào cuộc nghiên cứu, đưa ra kết luận 7 người mắc bệnh lạ dân tộc Tày, xã Mường Chiềng, Đà Bắc, Hòa Bình thực ra là mắc căn bệnh "khô da sắc tố bẩm sinh", một căn bệnh rất hiếm gặp ở Việt Nam cũng như trên thế giới, có tên khoa học là Xeroderma pigmentosum.

Căn bệnh này không lây, mang yếu tố di truyền bẩm sinh. Bệnh này là mãn tính, không thể chữa trị khỏi tuyệt đối được nhưng có thể làm hạn chế quá trình tiến triển viêm và loét. Để chữa trị bệnh cần đảm bảo 3 yếu tố: dùng thuốc điều trị thường xuyên (có thể là suốt cả cuộc đời), vệ sinh sạch sẽ và dinh dưỡng đảm bảo.

Thế nhưng, với người dân ở huyện nghèo này, miếng cơm còn phải chạy từng bữa, nếu có chữa trị cũng chỉ cầm cự được một thời gian ngắn, về nhà, bệnh lại tái phát như cũ. Đã hơn 30 năm kể từ khi có ca mắc bệnh đầu tiên đến nay, các bệnh nhân mới chỉ được tiếp cận với khám chữa thông thường tại xã.

Đến thời điểm này, vẫn chưa có một pháp đồ điều trị nào cụ thể cho các bệnh nhân. Với sự phát triển của y học hiện đại, sự vào cuộc của các nhà nghiên cứu đầu ngành về da liễu, hi vọng rằng trong thời gian gần nhất, các cơ quan chức năng sẽ tìm ra hướng điều trị tích cực, giảm sự đau đớn và biến chứng cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo này.

Sau khi đoạn phóng sự được đăng tải trên VTC News, ngay lập tức đã có hàng ngàn độc giả phản hồi và gọi đến đường dây nóng của Tòa soạn báo điện tử VTC News để chia sẻ. Tất cả đều chung một cảm xúc xót thương cho thân phận những người nghèo mang bệnh. "Xem xong phóng sự tôi không cầm được nước mắt, ước gì có phép nhiệm màu cho những mảnh đời kia bớt đau khổ" (độc giả Ngô Minh Trí).

"Tôi không sao cầm nổi nước mắt khi thấy nỗi đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần của họ. Tôi chỉ ước giá mình có thể chia sẻ được phấn nào nỗi đau đớn mà họ vẫn hàng ngày, hàng giờ phải đối diện và chống chọi với căn bệnh quái ác đó" (độc giả Hồng Thanh) , "Tội nghiệp quá, thương quá, không thể khóc nổi, chẳng biết nói gì chỉ xin đời cần có một tấm lòng" (độc giả Văn Nhân), "Thật quá đau đớn, sao mà họ khổ quá vậy? Bữa ăn thật quá xót xa, căn bệnh quái ác kia mong các bác sĩ hãy hết lòng chữa trị, đau lòng quá" (độc giả Đỗ Minh Tuấn)...
Cùng với nỗi xót xa, thương cảm là những lời kêu gọi khẩn thiết tận đáy lòng của nhiều bạn đọc "Tôi xin, tôi xin quỳ xuống, mong mong các bác sĩ hay cứu lấy đi, nhìn họ thương tâm quá" (độc giả Trần Anh), "Cầu xin mọi người, xin tất cả mọi người hãy chung tay giúp đỡ họ, tôi đa không thể kiềm nổi nước mắt khi thấy họ như vậy, xin hay giúp họ" (Độc giả Johnlee), "Hãy cứu lấy họ, hãy cứu lấy, họ đau lắm" (độc giả Phúc HY).

"Họ thật đáng thương, tôi ở đây cầu trời khấn phật cho họ, nhìn họ mà tôi rơi nước mắt. Mong các cơ quan, ban ngành, các mạnh thường quân hãy chung tay giúp đỡ, tôi thành thật biết ơn..." (độc giả Nguyễn Thị Anh Khoa), "Đề nghị VTC đứng ra lập quỹ để giúp đỡ họ" (độc giả Nguyễn Tú), "Mong VTC hãy lập quỹ ủng hộ để độc giả cả nước có thể chung tay giúp đỡ những người bị bệnh" (độc giả Thanh Phương), "Đề nghị báo điện tử VTC News thành lập ngay quỹ đế bạn đọc có thể chia sẻ chút lòng hảo tâm của họ. Bên cạnh đó Bộ Y tế hãy vào cuộc nhanh chóng để giúp đỡ những số phận thê thảm này vượt qua được bất hạnh lớn nhất của cuộc đời" (độc giả Đỗ Xuân Thành)...

Đáp lại tấm lòng thịnh tình của độc giả, Báo điện tử VTC News kêu gọi những tấm lòng hảo tâm trong và ngoài nước quyên góp giúp đỡ tài chính của bạn đọc cho những người mắc phải căn bệnh lạ này.

Mọi đóng góp và chia sẻ xin gửi về số tài khoản: Báo điện tử VTC News, tài khoản số: 002-1-00-024899-1 Ngân hàng Vietcombank, chi nhánh Lạc Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Mọi đóng góp xin đề rõ: Đóng góp giúp các bệnh nhân mắc căn bệnh lạ ở Hòa Bình.

Hoặc bạn đọc có thể liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại đường dây nóng: 01255 911 911 để được giải đáp chi tiết.

P.V

http://vtc.vn/2-299071/xa-hoi/toi-qu...-cuu-ho-di.htm
 
5,624
9
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Bệnh lạ ở Mường Chiềng

Phóng sự của TH TTXVN

[video=youtube;XSQKrYkvQew]http://www.youtube.com/watch?v=XSQKrYkvQew&feature=related[/video]


Cơ quan chức năng nói gì?

[video=youtube;mFXtlhjQ0iA]http://www.youtube.com/watch?v=mFXtlhjQ0iA[/video]
 
5,624
9
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Bệnh lạ ở Mường Chiềng

Họ ở đâu, côn trùng bu đến cắn đốt

(VTC News) - Xa Văn Tám khoác chiếc áo chùng đẫm nước hôi thối từ vết lở loét loang lổ trên người. Em không ngồi lâu được vì côn trùng bu đến cắn đốt ngay...

Có một vùng đất của người Mường đẹp nao lòng như cái tên của nó: Mường Chiềng. Nhưng vùng đất đẹp đẽ như nàng tiên ngủ quên giữa núi rừng, bỗng một ngày, cách đây 30 năm, bị… “quỷ ám”. Người Mường đồn vậy. Họ sợ mảnh đất ấy lắm. 30 năm trước, một “con quỷ” đã đội lốt một đứa trẻ.

Giờ đây, những “con quỷ” hiện về càng nhiều. Tổng cộng đã có 10 “con quỷ” ẩn trong những sinh linh bé bỏng, vô tội, thương tâm ở Mường Chiềng. Những đứa trẻ không làm gì nên tội, nhưng lại phải chịu một thứ cực hình, mà có lẽ, đồ tể, cai ngục tàn bạo nhất cũng không nghĩ ra được, âm tào địa phủ cũng không có.


Thung lũng Mường Chiềng.


4 năm trước, tôi đã có mặt ở Mường Chiềng (Đà Bắc, Hòa Bình). Tôi đã thực sự sợ hãi, lạnh người và rời Mường Chiềng với những giọt nước mắt lạc vào đá núi. Tôi biết rằng, vài câu chữ, chẳng làm được gì to tát để giúp những thân phận bị “quỷ ám” kia. Các giáo sư, tiến sĩ y khoa đầu ngành, đã phải bó tay. Căn bệnh “quỷ ám” kia đến ngành y thế giới cũng chịu. Vậy tôi làm được gì chứ? Tôi bị ám ảnh với ánh mắt không thôi hy vọng của họ khi cất bước rời Mường Chiềng. Mường Chiềng ám ảnh tôi từ bấy đến giờ.

Mường Chiềng vẫn vậy. Đèo dốc quanh co, khiến con đường mấy chục cây số mà xa xôi diệu vợi. Cái tên Mường Chiềng đã nổi tiếng lắm, nhưng buồn thay, Mường Chiềng nổi tiếng không phải vì có thung lũng hoa mận, hoa mơ, không phải vì có suối nguồn róc rách, cảnh vật trữ tình, mà Mường Chiềng nổi đình nổi đám vì căn bệnh quái gở bỗng phát tác ghê gớm, làm chấn động xã hội, làm đau xót bao con tim.


Bé Xa Văn Tâm.


4 năm trước, thằng bé Xa Văn Tâm còn nhỏ, nó ngồi nem nép bên bậu nhà sàn khi có người lạ ghé thăm. Nhà Tâm ở xóm Chiềng Cang, cách trung tâm xã chừng 20 phút cuốc bộ. Cha Tâm, anh Xa Văn Quan buồn lắm. Kể về con, tý anh lại khóc. Nước mắt cứ nhạt nhòa, chan đầy câu chuyện.

Năm 1997, vợ anh Quan sinh hạ thằng bé bụ bẫm. Được thằng con đẹp đẽ, nên vui lắm, mổ lợn ăn mừng, mấy ngày rượu tràn quanh bếp lửa. Lên nương thì thôi, chứ về nhà anh lại quẳng cày hôn hít con. Anh hứa với vợ, sẽ lao động chăm chỉ, trồng ngô trồng sắn, dành dụm tiền bạc nuôi con ăn học thành người, không để nó phải cực nhọc nương rẫy như cha mẹ nữa.


Anh Xa Văn Quan và cậu con tội nghiệp của mình.


Nhưng, niềm vui kéo dài chẳng được bao lâu. Chỉ 5 tháng sau, trên cơ thể bé Tâm có những biểu hiện lạ thường. Những nốt đỏ thư thủy đậu mọc lên, bọng nước, đỏ ối, rồi vỡ ra lở loét. Nếu ở nơi khác, thì bệnh này không đáng lo, nhưng ở mảnh đất mà người ta độc mồm gọi là “quỷ ám” này, thì ôi thôi, quỷ đã mò đến hại gia đình anh rồi.

Biểu hiện bệnh “quỷ ám” trên thân thể bé Tâm cũng giống hệt những trường hợp trước đó. Nốt mẩn đỏ mọc trên trán, lan dần xuống ngực, cổ và tràn ngập 2 vai, lưng. Vợ chồng anh Quan nhìn con mình, ngày qua ngày, cứ như thể có dòi bọ lúc nhúc dưới lớp da, ăn thịt con mình, mà lòng đau như dao cắt. Khổ thân bé Tâm, chưa biết đi, đã phải biết gãi. Bé cứ khua khoắng loạn xạ, khóc lóc suốt ngày. Cái bệnh này ngứa lắm, ngứa như có dòi bọ trong da, không gãi không chịu nổi.



Vết loét kinh hoàng trên vai bé Tâm.


Mặc dù biết con mình bị “quỷ ám”, vô phương cứu chữa rồi, nhưng anh Quan vẫn làm một việc vô nghĩa, là đem con đi kêu khóc. Anh đưa con lên bệnh viện huyện, huyện bảo lên tỉnh, tỉnh lắc đầu bảo về trung ương. Các bác sĩ từ địa phương đến chuyên gia đầu ngành da liễu, cũng lắc đầu không biết là bệnh gì. Họ đành cấp đơn thuốc bôi ngoài da. Nhưng những thứ thuốc thông thường ấy chẳng có tác dụng gì, càng bôi, vết loét càng lan rộng hơn, sâu hơn. Con đường đến bệnh viện là con đường cụt mất rồi.

Xứ Mường Hòa Bình nổi tiếng vì có nhiều bài thuốc dân gian độc đáo, bí truyền. Nghe lời mách bảo, vợ chồng anh Quan đã đưa con đi đủ các xứ “nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động” để nhờ các thầy lang điều trị. Các thầy lang đều xót thương cho thân phận “quỷ ám” của bé Tâm, mà ra sức cứu chữa. Họ dùng đủ các bài thuốc uống trong, bôi ngoài, đắp lá, ngâm chậu, xông hơi. Thế nhưng, những bài thuốc được dân gian đúc kết cả ngàn năm kinh nghiệm cũng chẳng ăn thua gì. Những vết loét cứ mỗi ngày một lan rộng, ăn sâu vào cơ thể bé nhỏ của Tâm.


Mỗi khi đau đớn, ngứa ngáy quá, bé Tâm lại bỏ nhà đi lang thang.


Đông y, Tây y đều bó tay, không còn cách nào khác, đường cùng, anh Quan đành phải nghe lời dân bản, mời thầy mo đến cúng đuổi “con quỷ” đang trú ngụ trong thân thể con mình.

Tất thảy những thầy mo nổi tiếng nhất ở vùng Đà Bắc đều đã bó tay trước “con quỷ” tàn độc này. Gia đình những nạn nhân của căn bệnh quái gở ở Mường Chiềng cũng đã lần lượt mời các thầy mo trong vùng đến cúng, song bệnh tình chỉ nặng thêm. Bụt chùa nhà không thiêng, anh Quan phải sang tận Tân Lạc rước thầy mo cao tay nhất vùng về.

Đêm bắt “quỷ” hôm đó có mặt đông đủ họ hàng, làng bản. Hương khói, cờ phướn, lá bùa dán khắp ngôi nhà sàn. Tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng chú của thầy mo rền rĩ, âm âm trong cảnh núi rừng tịch mịch. Cậu bé Xa Văn Tâm với mình trần lở loét khóc thét vì sợ.

Sau mấy tiếng đồng hồ cúng bái, thầy mo thông báo đã đuổi được con quỷ ra khỏi cơ thể Tâm. Mọi người vui vẻ uống rượu, chúc mừng. Anh Quan tràn ngập hy vọng.


Từ ngày bé Tâm bị căn bệnh "quỷ ám", rất ít người đủ can đảm bước chân vào nhà anh Quan.


Thế nhưng, nhiều ngày trôi qua, vợ chồng anh không nhận thấy sự đổi khác gì ở Tâm cả. Không những thế, Tâm còn có biểu hiện tâm thần, hoang tưởng. Tâm trở nên lầm lỳ, ít nói, cứ sểnh ra là trốn nhà bỏ đi lang thang. Đã có thời gian, không trông được con, vợ chồng anh Quan đóng một chiếc cũi và mỗi khi đi nương thì nhốt em lại. Nhưng nằm trong cũi thì kiến bò ăn thịt, ruồi bâu hút máu vết thương, càng làm Tâm phát điên.

Em gào khóc, la hét, đập phá. Nhìn cảnh đó, xót xa quá, anh Quan đem cũi đi đốt. Đành phải chấp nhận cảnh thi thoảng Tâm lại bỏ nhà đi lang thang. Lâu quá không thấy con về, thì anh lại đi tìm. Cái hình dạng khủng khiếp của em ai gặp một lần là nhớ, nên anh đi tìm con cũng dễ. Nơi Tâm hay lê la là chợ búa, trường học ở các xã lân cận.

Hôm tôi lên Mường Chiềng, thì Tâm vừa về sau mấy ngày bỏ nhà đi lang thang. Anh Quan cởi áo con mình ra, tôi thực sự sốc. Tôi đã chứng kiến rất nhiều thứ bệnh tật quái gở, nhưng không cầm nổi lòng mình khi thấy mặt, cổ, vai, gáy và đặc biệt là phần lưng bong tróc với lớp thịt đỏ au nhầy nhụa. Bệnh của em đã khủng khiếp hơn 4 năm trước rất nhiều.

Tình trạng của Tâm cứ như quỷ ám, ma hành. Anh Quan bảo, mỗi khi lên cơn ngứa ngáy, không chịu nổi, Tâm lại trèo tít lên ngọn cây và đu lủng lẳng trên đó khiến vợ chồng anh sợ hết hồn vía. Khốn khổ nhất là những ngày hè nắng nóng. Mồ hôi hòa lẫn vào vết thương khiến em bỏng rát, ngứa ngáy tột cùng. Gãi vào vết thương thì thịt da bong tróc, máu chảy tung tóe.

Nguyệt Diễm - Bình Thủy

http://vtc.vn/394-299317/phong-su-kh...en-can-dot.htm
 
5,624
9
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Bệnh lạ ở Mường Chiềng

Bệnh khủng khiếp ở Hòa Bình có thể khắc chế được

(VTC News) - Trao đổi với PV VTC News, Bác sĩ cao cấp, Tiến sỹ Nguyễn Duy Hưng (Bệnh viện Da liễu), Tổng thư ký Hiệp hội Da liễu Việt Nam khẳng định hoàn toàn có thể khắc chế được căn “bệnh lạ” ở Hòa Bình. Điều quan trọng nhất là cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng mới có thể giúp được các người bệnh điều trị hiệu quả.

Tiến sỹ Hưng cho biết, cách đây 3 năm, đoàn bác sỹ của Viện Da liễu Quốc gia đã có đợt công tác khảo sát, xét nghiệm và đưa ra kết luận: “bệnh lạ” nói trên có tên khoa học là khô da nhiễm sắc tố, được phát hiện vào năm 1874. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi nơi, mọi chủng tộc trên thế giới với tỷ lệ mắc bệnh ở nam nữ như nhau.

Tỷ lệ mắc bệnh ở Châu Âu và Châu Mỹ là 1/250.000 người, ở Nhật là 1/40.000 người. Viện Da liễu Quốc gia đã đưa ra khuyến cáo với chính quyền, Sở Y tế Hòa Bình về nguyên nhân gây bệnh và phương thức điều trị, chăm sóc, giúp đỡ bệnh nhân.


Những bệnh nhân mắc bệnh lạ ở Hòa Bình. Ảnh chụp từ clip truyền hình


“Không có thuốc gì điều trị được căn bệnh này vì đây là bệnh do di truyền. Do rất nhạy cảm với ánh nắng mặt trời nên để khắc chế, không cho bệnh phát triển, bệnh nhân tuyệt đối tránh ánh nắng mặt trời", Tiến sĩ Hưng khuyến cáo.

Ông cũng cho biết bệnh nhân cần hạn chế tối đa đi ra ngoài trời nắng, chỉ nên ra đường vào lúc chiều tối. Nếu bắt buộc phải đi ra trời nắng phải bôi kem, mặc áo kín, đeo kinh đen, đội mũ thật kín. Đối với các khối u đã phát triển thì cần phải phẫu thuật, nếu bệnh nhân bị bệnh nặng quá thì phải cấy ghép da.

Bệnh này có nguy cơ ung thư rất cao nên phải uống Retinoids để giảm nguy cơ. Ngoài ra phải bảo vệ mắt như tắc tuyến lệ phải làm tuyến lệ nhân tạo, hỏng giác mạc phải cấy ghép giác mạc. Đây là bệnh di truyền gien lặn, yếu tố di truyền không biểu hiện ở ngoài da. Biểu hiện của bệnh đầu tiên là các chấm đỏ, sau chuyển màu thâm đen, sau đó da bị mất sắc tố chuyển sang màu trắng. Bệnh liên quan đến một số u tân sinh lành và ác tính ở một số vùng da hở. Do đó, hoàn toàn có thể xét nghiệm gen sớm để phát hiện bệnh và có liệu pháp chữa trị.

Tại vùng này, cũng nên đi xét nghiệm trước khi kết hôn và có ý định sinh con” – Tiến sĩ Hưng khuyến cáo.

Thực tế cho thấy các bệnh nhân mắc căn bệnh trên ở Hòa Bình đã không làm được điều này và đây chính là nguyên nhân khiến bệnh ngày càng trở nên nặng hơn. Bệnh này ảnh hưởng đến mắt là 80% (sợ ánh nắng mặt trời, viêm kết mạc, lộn mi, hủy hoại gây loét mi dưới, hỏng giác mạc) và 20% ảnh hưởng đến thần kinh (trì độn trí tuệ, điếc, tổn hại màng não, phát triển thể chất kém như còi cọc, ốm yếu, suy dinh dưỡng).

Một số nước trên thế giới đã có thể chuẩn đoán bệnh này sớm từ trong bào thai và có cách xử lý.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Duy Hưng, việc chữa trị được căn bệnh này, tuy đơn giản nhưng lại đòi hỏi nguồn kinh phí để chăm sóc đời sống, tạo điều kiện ăn ở tốt cho bệnh nhân. Vì vậy, đòi hỏi sự chung tay giúp sức của cả cộng đồng, chính quyền địa phương. Một mình ngành y tế không làm nổi vì không có thuốc đặc trị căn bệnh này.

Thực tế cho thấy người dân ở vùng này đều rất nghèo, điều kiện ăn ở lạc hậu, lại thiếu hiểu biết về bệnh. Vì vậy, trước tiên là phải cung cấp cho họ những thông tin, kiến thức về bệnh. Sau đó, xã hội cần giúp đỡ họ cải thiện cuộc sống, có điều kiện để chữa trị bệnh.

Báo điện tử VTC News kêu gọi những tấm lòng hảo tâm trong và ngoài nước quyên góp giúp đỡ tài chính của bạn đọc cho những người mắc phải căn bệnh quái ác đang ngày đêm phải chịu nỗi đau tột cùng này.

Mọi đóng góp và chia sẻ xin gửi về:

Báo điện tử VTC News
Tài khoản số: 002-1-00-024899-1 Ngân hàng Vietcombank, chi nhánh Lạc Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Mọi đóng góp xin đề rõ: Đóng góp giúp các bệnh nhân mắc căn bệnh lạ ở Hòa Bình.

Hoặc bạn đọc có thể liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại đường dây nóng: 01255 911 911 (gọi từ trong nước) và +84 1255 911 911 (gọi từ nước ngoài) để được giải đáp chi tiết.

Bài và ảnh: Vĩnh Dương

http://vtc.vn/2-299275/xa-hoi/benh-k...c-che-duoc.htm
 
Top