Bé hóc hạt - chuyện nhỏ mà không nhỏ

5,624
9
38

metyruoi

Active Member
(Lam me) - Vừa qua, tại Hà Nội, một bé gái gần hai tuổi được cứu sống do mắc phải hạt hướng dương ở phổi. Bác sĩ đã phải cấp cứu như thế nào?
Ngày 6 – 12 vừa qua, đang chuẩn bị bữa trưa, bà Nguyễn Thị Lân, 52 tuổi, giúp việc ở đường Lương Định Của, Hà Nội, hoảng hồn hoảng vía khi Châu Anh, cô con gái gần 2 tuổi của chủ nhà nằm bẹp xuống sàn, ho sặc sụa.

Cô bé mặt đỏ gay gắt, cơ thể bắt đầu tím tái, thở rất khó nhọc. Bà hớt hải chạy ra đường gọi xe ôm đưa cháu bé vào bệnh viện cấp cứu.

Các y bác sĩ khoa Cấp cứu bệnh viện Bạch Mai lo lắng khi nhìn thấy bệnh nhân là một cô bé nhỏ xíu. Có vẻ như cháu có dấu hiệu ngừng thở nên họ phải đặt nội khí quản ngay lập tức.

Bên ngoài, người giúp việc vừa nói chuyện điện thoại vừa khóc. Bà bảo, chỉ mấy phút trước đó, cô bé vẫn chạy khắp nhà nô đùa với chú mèo con. Vậy mà quay vào quay ra đã thấy bé nằm lăn ra đất.

Ảnh minh họa
Nhỏ mà không nhỏ

Trước một bệnh nhi có tình trạng bệnh khá nguy kịch, khoa Cấp cứu bệnh viện Bạch Mai đã mời các bác sĩ ở bệnh viện Tai – Mũi – Họng Trung Ương và bác sĩ khoa Nhi đến hội chẩn.

Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện bệnh nhi bị một dị vật mắc ở thanh môn, gây tắc thở. Sau đó, dị vật trôi xuống phổi làm xẹp bên trái phổi, di động lên xuống theo nhịp thở nên bé thở rất khó khăn. Đó là lý do khiến cháu bị suy hô hấp nhanh chóng.

Các bác sĩ quyết định dùng kềm sinh thiết (forcep) soi phế quản để gắp dị vật ra. Sau khi soi và gắp dị vật qua đường tự nhiên, mọi người vô cùng bất ngờ khi phát hiện nguyên nhân khiến bé Châu Anh suýt mất mạng chỉ là vì một hạt hướng dương nhỏ.

PGS – TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: Dù chỉ là một hạt hướng dương, nhưng nó lại gây những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. May mắn là bé Châu Anh ở cách bệnh viện chỉ 1km nên gia đình đã đưa cháu vào bệnh viện cấp cứu kịp thời. Với con trẻ, chỉ cần ngừng thở mấy phút, các bé có thể sẽ chết não rồi tử vong. Bác sĩ Dũng nhấn mạnh, đã có nhiều trường hợp bé mắc dị vật, gia đình luống cuống không biết cách sơ cứu đã phải chứng kiến con tắt thở trước sự bàng hoàng của bố mẹ và người thân. Qua cơn nguy kịch, cháu bé được chuyển qua khoa Nhi của bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục điều trị. Khi phóng viên của chúng tôi vào bệnh viện, Châu Anh đã qua 5 ngày điều trị. Sức khỏe của cháu tốt hơn nhưng vẫn phải tiếp tục theo dõi và điều trị.

Bác sĩ Dũng nói: “Dù đã tỉnh táo, nhưng Châu Anh vẫn phải tiếp tục dùng kháng sinh. Dị vật hạt hướng dương gây xẹp phổi, nên các bác sĩ lo lắng cháu bé sẽ gặp biến chứng sau này. Nếu nhẹ thì tinh dầu trong hạt này cũng có thể gây biến chứng phổi”.

Cách sơ cứu


Dị vật đường thở thường gặp ở các bé từ ba tuổi trở xuống. Ở tuổi này, trẻ hay tò mò, bất kể vật gì cầm nắm được là bé cho vào miệng. Phản xạ mở và đóng thanh quản để bảo vệ đường hô hấp khi hít thở và ăn uống chưa hoàn thiện nên các bé rất dễ bị hóc dị vật.

Bác sĩ Dũng chia sẻ: “Thông thường, khi bị mắc dị vật, các cháu bé thường có biểu hiện ho sặc sụa, dồn dập, mặt đỏ gay, cơ thể tím tái dần, khó thở và hôn mê. Gia đình cần vỗ vào lưng để bé ho hoặc nôn, tống dị vật ra ngoài. Sau khi thực hiện thao tác trên khoảng ba lần mà không thể đẩy dị vật ra ngoài được, gia đình cần khẩn trương đưa bé vào bệnh viện ngay”.

Bác sĩ Dũng cũng khuyến cáo các gia đình không được dùng tay vuốt xuôi đoạn ở cổ. Nếu làm như thế, dị vật sẽ chui sâu vào phổi, gây nguy hiểm đến tính mạng bé.

Để tránh nguy hiểm khi mắc dị vật cho con em mình, PGS – TS. Nguyễn Tiến Dũng khuyên rằng: “Bạn nên tập cho trẻ thói quen không ngậm đồ trong miệng. Khi thấy trẻ ngậm đồ, cố gắng nịnh để cháu nhả ra, tránh để trẻ sợ rồi hít mạnh gây tắc đường thở”.

Với trẻ từ ba tuổi trở xuống, bạn không nên cho trẻ ăn những loại thức ăn dễ rơi vào đường thở như các loại hạt, xương.

Với bé lớn hơn, bạn không để trẻ chạy nhảy, nô đùa khi ăn. Làm như vậy các bé sẽ mất tập trung, thức ăn dễ bị nghẹn dẫn tới hậu quả đáng tiếc xảy ra.


Theo eva
 
Top