Đi, đọc, nghe, xem, thấy...

7
0
0

Ivan

New Member
Suốt hành trình dài của cuộc đời, ai trong chúng ta cũng có những chuyến đi, những kỷ niệm, những cảm xúc khi đặt chân đến những vùng đất mới. Mình mở topic này để mọi người vào có thể chia sẻ những cảm nhận đó, để cùng suy ngẫm, hoài niệm hay đơn giản chỉ là để gợi lại một chút gì về những nơi ta đã đi qua...
1: Mùa hè, trời nắng như đổ lửa. Ngày nghỉ, rủ nhau đi vào 1 khu nghỉ mát giữa núi rừng để nghỉ ngơi. Con đường quanh co, mới được nâng cấp khá đẹp nhưng vắng vẻ. Những bản làng người dân tộc nằm rải rác hai bên đường, nhà ngói, nhà mái bằng đan xen với những mái nhà sàn còn sót lại - dấu vết của 1 thời đã xa khi những vật liệu để làm nên những ngôi nhà đó còn dễ kiếm.
Trời đang nắng, bỗng tự nhiên tối sầm lại, mây đen kéo đến, mưa xối xả. Cơn mưa rừng làm cho mọi người bất ngờ, ai chưa quen có cảm giác hơi sợ. Tìm đâu chỗ trú mưa giữa quãng đường rừng này bây giờ. Đang chạy nhanh trên đường, chợt nhìn thấy 1 ngôi nhà sàn nhỏ nằm nép bên bụi bương, thấy mừng rơn và tấp xe vào. Chủ nhà là 2 vợ chồng người dân tộc đã luống tuổi. Khách được mời lên nhà sàn ngồi trú mưa cho khỏi ướt. Căn nhà sàn nhỏ, đã cũ, đồ đạc chẳng có gì đáng giá. Con trai và con dâu đi làm trên nương chưa về, 2 ông bà già ở nhà ngồi ôm cháu. Đứa bé 3 tuổi, nhếch nhác đưa anh mắt lạ lẫm, sợ sệt nhìn những người khách lạ... Cuộc sống ở đây đơn giản, nghèo khó như những thời đã xa lắm. Nguồn sống chính vẫn dựa vào rừng. Ngày ngày, con trai, con dâu và cả 2 ông bà già đã hơn 60 tuổi thay nhau lên rừng chặt nứa về bán. Mùa măng thì đi lấy măng giang, măng nứa. Mỗi ngày công được 20-30 ngàn, đủ tiền đong gao, lần hồi sống qua ngày. Ông kể ngày xưa, rừng ở ngay sau nhà, gỗ làm nhà sàn không thiếu. Bây giờ ngay cả củi đun cũng phải đi xa, cây nứa, cây giang phải đi nửa buổi mới lấy được. Gỗ làm nhà thì lại càng không có. Ông chỉ ngôi nhà sàn đang hư hỏng bảo không biết khi nó sập xuống, lấy gì làm nhà đây, chắc lại quay sang làm nhà tranh, vách trát đất thôi... Tôi hỏi sao cứ đi rừng, sống vào rừng theo kiểu khai thác mãi thế? Đất đai rộng sao không nuôi trâu bò, bán giá bây giờ cũng 5,7 triệu 1 con. Ông bảo, mình cũng biết thế nhưng vốn ở đâu chứ, cái khó bó cái khôn, khó lắm... Hỏi ông đã đến Hà Nội chưa, ông bảo chưa, mình đi xa nhất là đến chợ huyện thôi... Những đỉnh núi mờ xa mây phủ, đúng như lời câu hát "Núi cao chi lắm núi ơi, núi che mắt mặt trời, chẳng thấy người thương" thì bây giờ có thể sửa lại "Núi cao chi lắm núi ơi, núi che mặt trời cho người chẳng biết được những nơi xa..."
Cơn mưa tạnh, chúng tôi chào ông bà rồi lên đường, tiếp tục chuyến đi chơi của mình. Hình ảnh hai ông bà già ngồi trong bóng tối của căn nhà sàn cũ, bế đứa cháu gầy guộc trong lòng với đôi mắt sợ sệt vẫn vương vấn ở bên trong mỗi người...
Gần tết năm sau, có dịp đi qua con đường ấy. Trời không mưa nhưng vẫn ghé vào thăm ngôi nhà đã trú mưa dạo trước. Ngôi nhà vẫn thế, 2 ông bà già vẫn thế, có chăng là thấy thêm 1 bếp lửa để sưởi giữa nhà... Còn 1 tuần nữa là tết, tôi hỏi ông bà chuẩn bị tết đến đâu rồi... Bà bảo mế có gì đâu mà chuẩn bị, có gì ăn nấy thôi... Ngôi nhà vẫn hiu quạnh, lạnh giá mặc dù bếp lửa vẫn đỏ rực. Hai con ông bà lên rừng lấy lá dong để bán về xuôi... Ôi, lại sản vật từ rừng....Ông bà đang chờ đợi con đi lấy lá dong rồi bán, lấy tiền về để mua dăm ba cân gạo, rồi dầu, muối rau dưa cho mấy ngày tết.. Sự chờ đợi giản đơn đến nhỏ nhoi, buồn tẻ. Cuộc sống cứ thế, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, như 1 vòng lặp, không thoát ra được. Ngày xưa, ngày tết chỉ ước mong là "Già được bát canh ngon, trẻ được manh áo mới", sao bây giờ vẫn thấy đúng với gia đình này, bản làng này....
Những người dân của bản làng chưa biết đi hết những ngọn núi kia sẽ đi đến đâu. Họ đâu biết nơi phố phường, cuộc sống đã khác xa nhiều lắm, tết bây giờ để chơi, để nghỉ ngơi, cả để là 1 dịp làm ăn, kinh doanh nữa chứ đâu còn phải lo cái ăn như ở đây. Họ đâu biết, có nơi bán hoa địa lan ở Hà Nội (một loại hoa được ví như nữ hoàng của Hoa lan, trồng ở Đà Lạt) mỗi dịp tết bán được vài ngàn chậu hoa với giá vài triệu đồng 1 chậu mà nhiều khi không còn hoa để bán. Còn với họ, tết vẫn vật lộn để lo với mấy cân gạo nếp, vài cân thịt, cái áo mới cho con trẻ mà sao vẫn khó thế. Tết với người nay là sự háo hức,chờ đợi, còn có thể với một số người khác là bươn chải, chạy vạy, ngậm ngùi....
Chia tay ngôi nhà sàn ấy, bếp lửa ấy trong sương chiều bảng lảng, giữa hơi lạnh của núi rừng, cheo leo trên vách đá mấy cành đào núi đã khoe sắc, báo hiệu mùa xuân đang về với núi rừng, với bản làng... Với ai đó là mùa xuân, còn với nơi đây, gọi là gì bây giờ nhỉ...
Mùa xuân năm nay, liệu có gì đổi thay trên bản làng ấy hay không....
...Bản làng lưng chừng núi, lưng chừng đèo
Từng bậc thang lên xuống như cung đàn ngân dài....
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
7
0
0

Ivan

New Member
Ðề: Đi, đọc, nghe, xem, thấy...

2: Chuyện ghi ở Ô Quy Hồ, Sapa, Lào Cai...
Nằm cheo leo trên những sườn núi quanh co bên con đường mòn leo lên đỉnh Phanxipăng, Ô Quy Hồ (k biết có đúng tên gọi không) là 1 bản nhỏ như bao bản làng người Hmông khác ở huyện Sapa ,cách thị trấn Sapa khoảng 1-2h đi bộ. Bản nhỏ, lưa thưa những nóc nhà mái gỗ rêu phong đã vênh lên, nứt nẻ. Ở đây người Hmông lợp mái nhà bằng những tấm gỗ xẻ. Nhìn những tấm gỗ xẻ rất dầy, đan kín các mái nhà, mới thấy họ đã lấy gỗ ở rừng nhiều đến mức nào... Nhưng có 1 điều không hiểu được đó là nhà mái thì lợp bằng gỗ, những tường lại được trát bằng đất rất đơn sơ. Nếu như đó là người Thái hay người Mường, chắc sẽ dùng những tấm gỗ ấy để làm vách, sẽ vừa chắc chắn, sạch sẽ và tránh gió lạnh, giữ được ấm trong mùa đông...
Nhà nào cũng có những chiếc thùng to dùng để chứa nước và nhuộm vải chàm. Nước nhuộm vải chảy xuống đất xanh đen một màu. Những bà, những chị,em gái người Hmông cả bàn tay và ngón tay đều dính màu chàm. Phụ nữ người Hmông chăm chỉ, chiều chồng đến mức nhẫn nhịn. Vợ đi làm việc ruộng nương, vợ đi lấy củi, lên rừng lấy măng, vợ vừa ngồi dệt vải, vừa địu con trên lưng. Chồng thì suốt ngày quanh quẩn ở nhà, uống rượu hay làm việc linh tinh. Chồng đi chợ uống rượu say, vợ vẫn nhẫn nại ngồi đợi đến khi chồng tỉnh rượu hoặc đưa chồng lên lưng ngựa để về nhà...
Điều bất ngờ nhất khi ở Ô Quy Hồ đó là trong 1 ngôi nhà trống ven đường, có 1 cái bảng đen trên đó có những dòng chữ tiếng Anh. Bất ngờ ở chỗ nhiều người trong bản đến tiếng Kinh còn không biết, sao lại học tiếng Anh để làm gì. Hỏi ra mới biết trẻ con và cả người lớn ở đây học tiếng Anh để bán hàng cho khách du lịch. Khi bạn hỏi 1 lon nước ngọt coca được bán với giá nhiêu, đứa trẻ bán hàng sẽ trả lời rất sõi "one đôla hoặc two đô la" ngay. Nhìn những ngôi nhà đơn sơ, cuộc sống qúa đơn giản nơi đây, những tuởng sự văn minh của phố phường dường như còn ở xa lắm, xa như cổng trời trong tâm tưởng của người Hmông. Thế nhưng, khi khách du lịch đến, chuyện buôn bán kinh doanh nhỏ đã bắt đầu len lỏi vào mỗi nhà ở Ô Quy Hồ này.... Nhưng mặc cho những cái nhìn tò mò của khách du lịch, buổi tối các chàng trai, cô gái Hmông vẫn tụ tập thành từng nhóm trước cửa Nhà thờ ở thị trấn Sapa, tiếng hát, tiếng kèn môi vẫn rìu rặt, thiết tha mà gửi gắm trong đó cả tâm tình của các đôi trai gái yêu nhau... Đó là nét văn hoá đặc trưng của người Hmông, được truyền từ đời này sang đời khác....
Đó là chuyện của năm 1997, đã khá lâu rồi. Bây giờ lên Sapa, rất nhiều thứ đã thay đổi đi nhiều lắm. Khách sạn nhiều hơn, hiện đại hơn, dịch vụ du lịch phát triển... Nhưng không phải cái gì hiện đại hơn cũng tốt. Nét văn hoá ở chợ tình đã mai một đi, khó lòng khôi phục lại như trước... Trong bao cái đổi thay, lòng vẫn muốn có dịp quay lại Ô Quy Hồ, để được đi trên cây cầu treo làm từ thời Pháp đã hoen gỉ, để thấy những máng nước chảy tự nhiên, để thấy những mái nhà lợp ván gỗ rêu phong, để thấy lớp học dạy tiếng Anh giữa bản làng heo hút, để được nghe những đứa trẻ bán hàng thổ cẩm hay nước uống đếm "one đô la, two đô la"....
Thời gian....
(HN 2005)
 
2,398
0
36

Mexecuazin

Active Member
Ðề: Đi, đọc, nghe, xem, thấy...

Cảm ơn Ivan, cứ chào mừng thành viên mới đã..
Ngày...tháng...năm..Viết gì nhỉ, nhớ...
 
5,642
9
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Đi, đọc, nghe, xem, thấy...

Ngày hôm qua

“Em cầm tờ lịch cũ
Ngày hôm qua đâu rồi”

Ai cũng có ít nhất 1 ngày hôm qua - có những ngày hôm qua ta muốn giữ lại, có những ngày hôm qua ta muốn quên, có những ngày hôm qua ngọt ngào, có những ngày hôm qua rất đắng cay,…

Nghe

Ngày hôm qua, gặp 2 người bạn, 2 lần nghe đến chuyện ly hôn. 1 đứa, vừa lép bép nhai kẹo cao su, vừa nói, này các cậu, tình yêu - hôn nhân - gia đình - ly hôn sao mà đáng chán, tớ thấy nó chả khác gì "cuộc đời" ngắn ngủi của cái kẹo cao su: nguyên liệu - thành phẩm - nhai - vứt rác. Xong, nó thổi phù cái bã kẹo xuống đường, rồi nghĩ sao lại lấy tờ giấy ăn, nhặt cái bã kẹo lên, cuộn tròn, để tử tế trong cái gạt tàn, thở dài: "nhưng dù sao, tớ cũng nên ném nó vào đúng chỗ, kẻo người khác giẫm vào". Hai đứa còn lại lắc đầu, giọt cà phê tan trong miệng đắng ngắt.:-&

Nhìn

Ngày hôm qua, nhìn cụ ông đỡ cụ bà, chậm rãi bước từng bậc, từng bậc một lên núi vãn cảnh chùa, thấy ánh mắt bà nhìn ông trìu mến, nghe ông nhắc bà “em ngồi đây nghỉ một lát rồi đi tiếp”, rồi ông lấy chiếc khăn mùi xoa trong túi, âu yếm lau những giọt mồ hôi rịn trên trán bà,…thấy lòng ấm áp lạ. Họ đã vào tuổi thất thập. :)

Lãng đãng

Ngày hôm qua, đánh rơi mất cái thẻ ATM, lại thấy nhẹ cái ví, vì từ hồi bị cấp, chưa dùng đến bao giờ. Hêhheee:D
 
7
0
0

Ivan

New Member
Ðề: Đi, đọc, nghe, xem, thấy...

Một ngày đầu thu, tham dự 1 hội nghị nên lần đầu tiên có dịp đặt chân đến đất nước Chùa Tháp. Khi đi, bão số 7 với gió cấp 12 đang chuẩn bị đổ bộ , mọi người nói vui là đi tránh bão. Chuyến bay vòng để lấy thêmkhách từ Hà Nội đến Phnompenh làm hành khách phải transit ở Viêng chăn khoảng 1h. Hôm ấy trời nắng đẹp, bay máy bay Fokker mà không cảm thấy "sóc" như lần bay ở Đà Nẵng ra. Sau khoảng 40 phút bay, Viêng Chăn hiện ra nhỏ bé, chìm sâu dưới những mảng xanh của cây cối. Rừng ở nước bạn còn nhiều thật, đâu cũng thấy màu xanh.Trước khi hạ cánh, máy bay bay thấp là là trên những cánh rừng nhiệt đới xanh um, cây gỗ nhiều tầng. Sân bay Quốc tế Viêng chăn nhỏ và vắng vẻ như 1 sân bay của 1 tỉnh lẻ ở Việt Nam. Mấy cô gái nhân viên sân bay và mấy cô bán hàng ở quầy lưu niệm bập bẹ mấy câu tiếng Việt khá sõi có thể do người Việt ở Viêng Chăn này khá đông. Đất nước của chùa chiền tạo cho du khách cảm giác thân thiện hiền hoà....
Khoảng 1h bay nữa, biển hồ Tonglesap mênh mông, xanh ngắt dưới cánh máy bay. Sânbay quốc tế Pochentong hiện ra với vẻ sầm uất hơn Viêng chăn. Cái tên Pochentong là do hay đọc báo, xem ti vi từ lâu nên nhớ. Khi hỏi 1 anh bạn người bản xứ rằng tại sao gọi là sân bay Pochentong, anh ta cũng không biết sân bay đã từng có tên là Pochentong và nói tên đó bây giờ đã đổi thành sân bay quốc tế Phnompenh rồi....
Phnompenh, thành phố với khoảng gần 3 triệu dân vừa có nét ồn ào, vừa có nét tĩnh lặng. Sự ồn ào thể hiện ở những ngã bã, ngã tư trên đường phố hay ở các bến xe, khu chợ. Ô tô nhiều vô kể, có thể thấy các loại xe cũ mới của nhiều hãng trên đường phố. Một điều lạ là xe tay lái thuận và tay lái nghịch đều được lưu thông, chẳng ai cấm cả. Ra đường thì đi lại khá tự do, đỗ xe ở đâu cũng được, k lo bị phạt hay kéo xe về đồn cảnh sát như ở mình. 1 đất nước đang phát triển nhưng có nhiều xe ô tô là vì giá xe rất rẻ, có khi chỉ 2-3ngàn USD là có 1 xe cũ hiệu Toyota hay Honda Accord chạy cũng được rồi. Bên cạnh sự ồn ào đó, có những nơi mà sự tĩnh lặng, trang nghiêm bao phủ, nhất là ở chùa chiền và cung điện hoàng gia. Đến thăm cung điện hoàng gia, vẻ ngoài tráng lệ, uy nghiêm làm du khách choáng ngợp. Những cung điện, toà nhà, tượng được dát vàng óng ánh, nghệ thuật kiến trúc tinh xảo dưới bàn tay chạm khắc điều luyện của những người thợ xứ Chăm Pa.
Rời thủ đô, đi thăm 1 tỉnh cách thủ đô khoảng 100 cây số. Trụ sở hành chính của tỉnh là những toà nhà với khuôn viên rất rộng mang đậm dấu ấn kiến trúc từ thời Pháp. Trên những cánh đồng tít tắp 2 bên đường xe qua hay trong những khoảnh vườn của nhiều gia đình nông thôn, thốt nốt mọc cao vút giữa nền trời xanh. Cây thốt nốt gắn bó chặt chẽ và có thể được coi là 1 trong những biểu tượng của đất nước Chùa Tháp. Hỏi chuyện những gia đình nông dân, họ rất tự hào khi nói "Nhà tôi có 4,5 hay 10, 20 cây thốt nốt". Quả thốt nốt dùng để nấu lấy đường. Người ta cho thốt nốt vào chảo, đun nấu cả buổi được 1 bát bột thốt nốt. Khách đến nhà mời ăn 1 bát, nhưng vì k quen, ăn không nổi... Ruộng đất nhà nào cũng nhiều lắm, nhưng chẳng thấy trồng trọt cây ăn qủa hay rau để ăn gì cả. Tất cả hầu như ra chợ mua. Ở khách sạn, hoa quả dùng khi tea break hay bữa ăn phần lớn được nhập từ Việt Nam. Hỏi người dân sao không trồng, họ bảo không quen thế... Nhìn những mảnh vườn rộng rãi, bằng phẳng mà chỉ toànlà vườn tạp, lại thấy nhớ đến những mảnh vườn trù phú, đầy hoa trái ở nước mình....
Người Việt ở Campuchia khá nhiều. Tiệc chia tay hội nghị ở 1 nhà hàng, chắc nghe thấy mấy người khách nói tiếng Việt với nhau, 1 cô gái phục vụ chạy ra nói chào chú, chào anh. Em bảo quê em ở Hồng Ngự, Đồng Tháp, 1 huyện nằm sâu trong vùng Đồng Tháp Mười mênh mông mùa nước nổi, sang bên này khoảng 20 năm rồi. Hỏi em cuộc sống có dễ chịu không, em nói thấy dễ sống hơn ở nhà. Bảo em có ý định về Việt Nam không, em nói về sợ không biết làm gì... Biết nói với em thế nào nhỉ, 20 năm, khoảng thời gian đúng bằng thời gian đất nước mở cửa, đất nước đã rất nhiều đổi thay và phát triển...
Ở đây, sóng truyền hình Việt Nam đã được phủ. Có thể xem được VTV3 và VTV1. Những ngày hội nghị, lòng ai cũng thấy không yên tâm lo ở nhà đang bị bão vào sẽ thế nào. Cứ 6h, 9h, 12h, 3h, 19h, 22h khi có bản tin thời sự là bật máy lên xem, đang họp cũng trốn ra ngoài về phòng để xem... Nhìn phóng sự quay tại Đồ Sơn với những con sóng cao tràn bờ, cây cối ngả nghiêng ai cũng lo. Thế mới biết, mỗi người con khi xa xứ đều hướng về quê hương mình... Lá rụng về cội, câu đó đã nghe nhiều lần rồi, nhưng lúc này ngẫm nghĩ lại thấy rất đúng. Thế mới biết có những người đã xa tổ quốc đến 30,40 hay 50 năm mà lòng vẫn luôn hướng về và mong có dịp quay về đất mẹ... Khi chia tay, nắm chặt bàn tay cô gái quê Đồng Tháp, cô nói giọng hơi nghẹn ngào, rồi em sẽ về VN, lá rụng về cội mà anh... Nghe em nói, lại thấy nhớ đến câu thơ của Nguyễn Duy "Ta đi trọn kiếp con người, Cũng không đi hết những lời mẹ ru....".
Lối về....
 
2,501
0
0

Haidang02

New Member
Ðề: Đi, đọc, nghe, xem, thấy...

Chào Ivan ... không ngốc nghếch :D (tại ngày xưa tớ đọc nhiều truyện của Liên xô, cứ bác nào tên là Ivan là hay có chữ 'Ngốc nghếch" kèm theo nên giờ cũng cứ phải đèo thêm chữ ấy vào mới chịu được - cậu thông cảm;) )

Thôi, đây là bài post chính của tớ :

1. Đi và nhìn :

Hôm nay đi Hải Phòng. Hải Phòng tớ thấy qua đôi mắt lừ đừ vì say xe của tớ đẹp, bình yên (giống quê tớ). Cafe vỉa hè của Hải Phòng ngon (cũng một phần vì tớ không phải trả tiền :D ), các quý cô và các quý bà Hải phòng năng động, tự tin và xinh. Các bác giai thì toàn tài không thể chịu được, hát hay, đàn giỏi, chụp ảnh đẹp (ở ngoài đời có xấu mấy mà lúc lên ảnh vẫn xinh tươi, rạng rỡ - ấy là điều tớ thích nhất)

2. Nghe và thấy :

Trên xe ô tô, điện thoại của tay lái xe tên là Bừa réo liên tục. Cuộc nào cũng thấy Bừa dịu dàng : Em à, anh đang trên đường tới đây... anh nhớ rồi, B của anh đang trên đường, sẽ tới tay em ngay một số giờ nữa thôi. Mong được gặp em, em đến nhé. Anh muốn trao tận tay B của anh cho em cơ ...

(ghi chú : B là bánh cuốn của Bừa)

Bừa với Mẹ Xề kết hợp được kết quả thế này đây :



Đang dạt dào cảm xúc thì bọn trẻ con ầm ầm xông vào phòng, rơi hết cả hứng viết, bực mình quá, thôi chờ khi khác viết tiếp vậy.

Tạm biệt Van :D
 

Đính kèm

100
0
0

maybay

New Member
Ðề: Đi, đọc, nghe, xem, thấy...

Bác Haidang ơi! Em cười suýt ngất :laughing::laughing::laughing:.
 
7
0
0

Ivan

New Member
Ðề: Đi, đọc, nghe, xem, thấy...

Chào cụ Haidang02 (mà cụ là boy hay girl thế để tiện xưng hô): Đọc bài của cụ em tí nữa thì sửu (xỉu). Sản phẩm kết hợp bày trên đĩa đẹp, nhưng có vẻ mất cân đối về bố cục, kích cỡ:D
Cụ à, em không chỉ ngốc nghếch mà còn:
- Ngu ngơ (trước trường đời);
- Ngờ nghệch (trước làm ăn);
- Ngễnh ngãng (trước ai hỏi xin hay vay gì);
- Ngà ngà (khi uống nước tăng lực);
- Ngất nghểu (khi đeo dép lê ra bờ hồ);
- Ngáo ngơ (khi nhìn thấy xe chở tiền ngân hàng);
- Ngẩn ngơ (trước cái đẹp và phụ nữ đẹp);
- Ngứa ngáy (khi bị cấm sờ vào hiện vật);
- Nghẹn ngào (khi ăn tham nuốt miếng to);
- Ngao ngán (khi nghĩ đến số nợ thuế phải nộp);
- Ngắc ngoải (sau khi nộp thuế)
- Ngào ngạt (khi đi sau cô nào xịt nước hoa chanel 5);
- Nguệch ngoạc (khi viết tay không đẹp bằng đánh máy);
- Nghênh nghênh (khi đội mũ bảo hiểm chào người quen trên đường);
- Ngấm ngầm (khi chọc gậy bánh xe);
- Ngoe ngóe (khi bị cù léc);
- Ngân nga (khi hò kéo pháo);
Và nhiều cái ngờ khác nữa...
Quả thật: Đố ai học được chữ ngờ...
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
2,501
0
0

Haidang02

New Member
Ðề: Đi, đọc, nghe, xem, thấy...

Chào cụ Haidang02 (mà cụ là boy hay girl thế để tiện xưng hô): Đọc bài của cụ em tí nữa thì sửu (xỉu). Sản phẩm kết hợp bày trên đĩa đẹp, nhưng có vẻ mất cân đối về bố cục, kích cỡ:D
Quả là bác ngỡ ngàng khi đọc một loạt vần ngờ của Van :)

Bác là bạn của anh xe ôm bên topic hát chế ;):D, cũng có tý tuổi nên mọi thứ đều ngán ngẩm rồi, Van chẳng phải nghĩ ngợi gì đâu, muốn bảo bác là Boy hay Girl đều được cả.

Bác chỉ nhắc Van nhớ giữ cà vạt ngay ngắn khi nhìn thấy các mẹ ở CSTT, ngọt ngào khi tán chuyện, không ngó nghiêng, ngọ ngoạy gì khi ở cự ly gần, còn nếu khi cự ly đã quá gần đến nỗi chỉ tính được bằng 1/1000 của 1 cm thì ngoáy ngó, ngâm nga thế nào, tuỳ Van. :D

Bác xì pam nốt lần này kẻo loãng topic đi, đọc, ngẫm nghĩ của Van. Hy vọng Van luôn vận hành tốt, không xì hơi khi ivanlốp đang làm việc, tóm lại đóng mở đúng lúc, Van nhé @};-
 
2,398
0
36

Mexecuazin

Active Member
Ðề: Đi, đọc, nghe, xem, thấy...

đang ngất nghểu lê dép ra bờ hồ, Van ngẩn ngơ chợt tỉnh khi thấy em chưn dài, nhưng vẫn cố nghênh nghênh cái mặt mẹt giả ngây ngô nghêu ngao hát: gót hồng, nhẹ nhàng xoay giữa khung trời...Gái kia vớ như nghễng ngãng, Van điên tiết lắm, nhưng vẫn ngấm ngầm đi theo sau, chân tay ngứa ngáy lắm rồi mà chưa làm gì được, bỗng thấy phát ra tín hiệu đèn xanh từ phía ẻm..Van hoan hỉ tò mò dấn thân vô...cuối cùng cũng đạt được mục đích...trong lúc đang hoan hỷ, ngây ngất với mùi nước hoa Chanel 5,, Van chợt nhận ra...nó chả khác mình tí nào, Van lục bên này, lục bên kia, lục lục xục xục...Van ngẹn ngào thương thân...Van chạy như ma đuổi, bước chân nguệch ngoạc trên đường, in hằn lên hè phố chữ: Không ngờ...
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
7
0
0

Ivan

New Member
Ðề: Đi, đọc, nghe, xem, thấy...

Chào bác Haidang02: Gọi bác là boy hay girl đều được ah, nghe nưỡng tính nhẩy... Bác gọi em là Van theo nghĩa cái để điều khiển sự đóng mở. Em thì cứ nghĩ bác gọi em là Van và ví von với xe ôm nào đó có thể bác nghĩ em là lái xe tải đường dài... Thế lào cũng được, vì dù thế lào, em vẫn cứ là em, ngốc nghếch, ngờ nghệch, ngơ ngơ và còn nhiều chữ ngờ mà em cũng chưa nghĩ hết...
Còn chuyện đóng mở Ivan lốp như bác nói thì bác yên tâm, lốp em căng lắm:D
Kính bác Mexecuazin (k biết nên dịch thế nào): Đúng là không ngờ... Ngờ đâu chun đứt nìa quừn..:D:D.
 
7
0
0

Ivan

New Member
Ðề: Đi, đọc, nghe, xem, thấy...

... Buổi sáng, chị phụ nữ đèo đứa trẻ đằng sau đi học. Đi đến giữa cầu Chương Dương, chị đi chậm lại, lấy ở giỏ xe 1 túi nilon rác vứt xuống sông. Chị làm việc đó 1 cách tự nhiên, như một thói quen hàng ngày, tự nhiên như là việc nó phải thế. Xong việc chị tăng ga hoà vào dòng người xe hối hả, nhanh nhanh đưa con đến trường cho kịp giờ học, rồi chị quay đến cơ quan cho kịp giờ làm... Đứa bé con chị vẫn vô tư ngồi sau tranh thủ đọc truyện tranh trước khi bước vào 1 ngày bị tra tấn với sách vở, với cái vòng xoáy học chính khoá, học thêm quay tít mù...
.... Buổi tối, trong bữa cơm, con chị hỏi "Mẹ ơi, cô giáo cho bài văn với đề bài là Em hãy kể những việc góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường ở nhà em và nơi em ở. Làm thế nào bây giờ hả mẹ" Chị trả lời rằng, con cứ tả việc hàng ngày con giúp mẹ quét nhà, đổ rác ra thùng rác công cộng hay khi các cô vệ sinh gõ kẻng... Ngẫm nghĩ 1 lúc, con chị bảo thế có tả việc mẹ hàng ngày hay cho rác vào túi nilon rồi khi đi làm mẹ vứt xuống sông không?. Chị lặng người trong giây lát.. Chị cứ nghĩ lại việc chị hay làm mỗi buổi sáng, chị nghĩ đến bài văn cô giáo ra cho con chị, chị nghĩ đến câu hỏi của nó....
Đôi khi, người lớn chúng ta cứ hô hào giữ gìn cái này, bảo vệ cái kia với băng rôn, khẩu hiệu to tát mà quên mất việc giữ gìn, bảo vệ những cái đó nên bắt đầu từ những việc nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người, mỗi nhà... Vài ngày nữa là đến ngày tết ông công, ông táo. Người Hà Nội nhà nào cũng ra chợ mua cá chép về để cúng rồi mang ra sông, ra hồ thả. Phong tục ấy là 1 nét văn hoá truyền thống rất đẹp nên giữ gìn. Nhưng sau ngày 23 tháng chạp, trên cầu hay quanh các bờ hồ, lòng sông, lòng hồ thể nào cũng nhan nhản các túi nilon đựng cá được vứt đi sau khi thả cá... Năm nào cũng thế, cứ lặp đi lặp lại, k có gì đổi thay... 20 đến 30 năm là thời gian trung bình để những túi nilon đó có thể phân huỷ trong môi trường. Màu trắng của bãi rác tại các nước đang phát triển có thể được xem như 1 biểu hiện của khái niệm "ô nhiễm trắng" mà con người đang phải đối mặt...
Nhữg cái gì là thói quen thì khó thay đổi. Có khi phải mất 20 hay 30 năm nữa, khi nhữg đứa trẻ bây giờ mới bắt đầu được học môn học "Giáo dục môi trường" lớn lên và trưởng thành, những thói quen hôm nay mới có thể được thay đổi. 20 hay 30 năm, thời gian ấy chị có thể chờ được, con chị lại càng có thể chờ được, nhưng sự xuống cấp của chất lượng môi trường và sự suy thoái tài nguyên thì chẳng chờ ai cả....
Chị nghĩ đến việc thay đổi 1 chút "thói quen" mỗi buổi sáng đi làm, chị nghĩ đến việc bỏ túi nilon vào thùng rác khi đi thả cả chép 23 tháng chạp này, chị nghĩ đến...
Mà thôi, năm hết tết đến k lo mà chuẩn bị tết đi, ngồi rảnh tự nhiên lại viết mấy dòng này làm gì nhỉ...
 
Top