Điều nên làm khi bị rối loạn tiêu hóa

39
0
0

Mẹ Bubu&Shi

New Member
Rối loạn tiêu hóa là tình trạng không bình thường diễn ra ở đường tiêu hóa (từ miệng đến hậu môn). Rối loạn tiêu hóa có thể là bệnh lý hoặc không phải bệnh lý. Bệnh lý có thể xảy ra ngay tại đường tiêu hóa nhưng cũng có thể xảy ra ngoài đường tiêu hóa. Mọi lứa tuối đều có thể bị rối loạn tiêu hóa và tình trạng rối loạn tiêu hóa ở mỗi một cá thể thường không giống nhau. Rối loạn tiêu hóa là một cụm từ dùng để chỉ sự thay đổi hoặc xuất hiện một số triệu chứng ở đường tiêu hóa ví dụ như nôn, buồn nôn; đau bụng có khi âm ỉ, có khi từng cơn, có khi đau quặn; đi lỏng, phân lúc nhão, lúc rắn; bí trung tiện, bí đại tiện…
Rối loạn tiêu hóa không phải bệnh lý
Trong cuộc sống hàng ngày có nhiều trường hợp rối loạn tiêu hóa nhưng không phải bệnh lý ví dụ như đối với trẻ do ăn chế độ không phù hợp làm cho tiêu hóa không bình thường, biểu hiện là phân nát, có bọt, màu hoa cà hoa cải, mùi tanh… Nhiều trường hợp do mắc bệnh nhiễm khuẩn nào đó phải dùng kháng sinh nhưng người bệnh không tuân thủ chỉ định của thầy thuốc, dùng không đúng liều lượng hoặc dùng kháng sinh không đúng chỉ định làm cho mất cân bằng hệ sinh thái vi sinh vật ở đường ruột, xuất hiện đi đại tiện thấy phân lúc lỏng, lúc đặc, lúc nhão, có mùi tanh, hôi; kèm theo phân bị thay đổi cả về số lượng lẫn mùi, màu sắc và tính chất, đồng thời có thể xuất hiện những cơn đau bụng không thường xuyên. Hiện tượng làm mất cân bằng hệ sinh thái vi sinh vật ở ruột được gọi là “loạn khuẩn”. Việc sử dụng kháng sinh không hợp lý của một số người, nhất là hiện tượng tự mua thuốc để điều trị bệnh cho mình hoặc người nhà của mình rất dễ dẫn đến “loạn khuẩn”. Muốn biết có phải bị loạn khuẩn đường tiêu hóa hay không cần xét nghiệm phân. Khi có kết quả đánh giá bị “loạn khuẩn” của phòng xét nghiệm vi sinh y học thì người bác sĩ khám bệnh sẽ có phương pháp để điều chỉnh sự “loạn khuẩn” đó. Hoặc trường hợp phụ nữ nghén khi mang thai nhưng cũng có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa như không muốn ăn, nôn, buồn nôn, ọe.
Rối loạn tiêu hóa do bệnh lý
Hiện tượng ăn không tiêu, đầy hơi, chướng bụng, nôn, buồn nôn, ọe, đi lỏng hoặc táo bón, đau bụng âm ỉ hoặc đau từng cơn… là những biểu hiện cơ bản của rối loạn tiêu hóa thường gặp trong một số bệnh lý. Tuy nhiên tùy theo từng loại bệnh mà triệu chứng xuất hiện có khác nhau không nhất thiết có đầy đủ các triệu chứng, có khi chỉ có một hoặc hai triệu chứng cũng có thể gọi là rối loạn tiêu hóa. Hội chứng dạ dày, tá tràng (viêm hoặc loét) đau khi đói hoặc sau ăn, hoặc đau theo chu kỳ kèm theo đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn hoặc nôn (trong trường hợp hẹp môn vị, u dạ dày thì nôn nhiều hơn). Viêm ruột thừa cấp tính thường có đau bụng âm ỉ hoặc từng cơn, hay gặp nhất là đau ở vùng hố chậu phải kèm theo buồn nôn hoặc nôn, bí trung, đại tiện. Có những bệnh nhân bị sỏi đường tiết niệu (sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang) ngoài đau bụng âm ỉ hoặc quằn quại, đau xuyên ra sau lưng thì đầy hơi trướng bụng, buồn nôn, nôn cũng có thể xuất hiện. Một số bệnh gây viêm ruột cấp tính cũng có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa rầm rộ như đau bụng, buồn nôn, nôn, đi lỏng nhiều lần như bệnh tả, bệnh thương hàn, bệnh lỵ trực khuẩn, bệnh ngộ độc thực phẩm… Viêm đại tràng co thắt thì có những biểu hiện của rối loạn tiêu hóa có phần khác với viêm ruột cấp tính… Có một số cơ quan ngoài đường tiêu hóa nhưng khi bị bệnh cũng có một số triệu chứng rối loạn tiêu hóa như bệnh thiểu năng tuần hoàn não, bệnh rối loạn ốc tiền đình (cúng có triệu chứng buồn nôn, nôn).
Khi bị rối loạn tiêu hóa nên làm gì?
Vì rối loạn tiêu hóa do nhiều nguyên nhân khác nhau, có từng mức độ khác nhau ở mỗi người. Vì vậy, cần đi khám bệnh, ví dụ như trẻ em đang bú mẹ, đang ăn bổ sung (ăn sam), đang uống sữa bò, trẻ còi xương, suy dinh dưỡng hoặc các cháu mới đi nhà trẻ, mẫu giáo do chế độ ăn chưa phù hợp. Những trường hợp này tốt nhất là nên đến bệnh viện nhi, khoa nhi hoặc trung tâm dinh dưỡng để được bác sĩ chuyên khoa khám bệnh và tư vấn.
Khi rối loạn tiêu hóa có kèm theo đau bụng thì đi khám bệnh càng sớm càng tốt để đề phòng mắc bệnh cấp tính như bệnh viêm ruột thừa, thủng dạ dày, ngộ độc thực phẩm… Nếu không đi khám ngay để được xử trí kịp thời thì cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng.
Khi bị bệnh nhiễm khuẩn cần dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ, không tùy tiện mua kháng sinh để dùng khi chưa có chỉ định./.

Theo Sức khỏe & đời sống
 
10,157
29
48

ALnML

Super Moderator
Các bệnh đường tiêu hóa ở trẻ em

Khi thời tiết trở nóng, khoa nhi của bệnh các bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trẻ bị mắc các bệnh về đường tiêu hóa. Các bệnh này rất nguy hiểm, nếu không được ngăn chặn kịp thời.

Bệnh tắc ruột

Nếu bị tắc ruột, trẻ sẽ không đi tiêu được, không trung tiện được. Ở trẻ sơ sinh tắc ruột thường là do lồng ruột hoặc chứng thoát vị bẹn bị nghẹt. Trong những ngày đầu sau khi sinh, đường ống tiêu hóa của trẻ có thể có một vài dị tật, do không phát triển đầy đủ nên có chỗ bị xoắn. Triệu chứng đầu tiên của trẻ thường là nôn ói, có khi ra nước mật. Tất cả các trường hợp bị tắc ruột đều phải đưa đi cấp cứu ở khoa ngoại.


Bệnh sa trực tràng

Sa trực tràng là hiện tượng phần cuối ruột gắn với hậu môn (trực tràng) bị lòi ra ngoài một cách tự nhiên hoặc khi rặn mạnh, nhìn như một vòng tròn màu đỏ, khi trẻ ho hay khóc nhiều cũng có thể như vậy. Đoạn ruột này sau đó sẽ tự động co vào hoặc phải dùng tay để ấn. Nguyên nhân chính thường do trẻ bị đi táo hoặc tiêu chảy lâu ngày, nhưng đôi khi cũng có trẻ bị mắc chứng giãn dây chằng ruột hoặc do nhược cơ. Chứng này thường điều trị được bằng thuốc, rất ít khi phải phẫu thuật.
Bệnh tiêu chảy
Khi một trẻ đi tiêu ra phân lỏng như nước trên 3 lần một ngày thì được coi là bị tiêu chảy. Nguy cơ lớn nhất của bệnh này là gây ra tình trạng mất nước và phần lớn chất điện giải nên cơ thể sẽ bị suy kiệt và có thể tử vong. Theo thống kê, cứ 100 trẻ em bị tử vong do tiêu chảy thì khoảng 71 trẻ do mất nước. Các siêu vi trùng thường gây bệnh tiêu chảy là siêu vi rota và vi khuẩn E.coli, có mặt hầu hết ở các nơi dơ bẩn và trong thức ăn thiếu vệ sinh.
Bệnh kiết lị
Chủ yếu do ký sinh trùng amibe và trực khuẩn shigella gây ra, người bị kiết lị đi tiêu ra phân rất ít nhưng có kèm theo đàm và máu cùng với những triệu chứng sốt, đau bụng, luôn có cảm giác muốn đi cầu, cứ thế trẻ em lả dần, vật vã, hôn mê rồi tử vong. Nguy cơ chủ yếu của bệnh kiết lị là trở thành mạn tính, kéo dài. Ngoài ra, ký sinh trùng amibe có thể xâm nhập vào gan gây áp-xe gan. Loại shigella hay gây kiết lị ở trẻ em, loại này không gây mạn tính, không gây áp-xe gan nhưng khi biến chứng có thể gây tử vong trong 24 giờ.
Bệnh thương hàn
Cũng có nguy cơ phát triển trong mùa nóng. Triệu chứng chủ yếu là sốt kéo dài trong nhiều ngày, kèm theo những triệu chứng về tiêu hóa như: chậm tiêu, đau bụng, có khi tiêu chảy, có khi táo bón. Thủ phạm gây ra bệnh thương hàn là vi khuẩn salmonella có mang nhiều độc tố gây nên những biến chứng nguy hiểm như: xuất huyết ruột, thủng ruột có thể gây tử vong. Một biến chứng hay gặp nữa ở trẻ em là viêm não: lừ đừ, mệt mỏi, hôn mê rồi tử vong.
Bệnh tả
Trong thời gian gần đây đã xảy ra một số trường hợp. Đối với bệnh này phải hết sức cảnh giác vì tả vừa là một bệnh nguy hiểm, có thể làm tử vong nhanh chóng vừa dễ lây lan thành dịch. Ba triệu chứng chủ yếu khi mắc bệnh tả: tiêu chảy ra nước ồ ạt, nôn ói liên tục, đau bụng. Đáng sợ nhất là triệu chứng tiêu chảy, bệnh nhân đi ngoài liên tục, không cầm được, phân toàn nước màu trắng đục. Khi đó, bệnh nhân bị mất nước nhiều, kiệt sức và tử vong rất nhanh. Vi khuẩn hình phẩy (phẩy khuẩn tả) gây ra bệnh này.
Các loại vi khuẩn nói trên luôn luôn có ở những nơi dơ bẩn, nguồn nước kém vệ sinh, thức ăn bị ôi thiu, chưa nấu chín hay để ruồi nhặng đậu vào. Khi con em chúng ta ăn uống trong môi trường đó, các loại vi trùng nói trên sẽ theo thức ăn vào bộ máy tiêu hóa, chúng phát triển và bài tiết ra nhiều chất độc gây bệnh làm tử vong, gây thành dịch.
Để phòng ngừa, cần phải giữ vệ sinh ăn uống, tức là phải: uống sạch, nên dùng nước đun sôi để nguội, khi uống nước giải khát nên dùng các loại đã qua xử lý tiệt trùng đóng kín trong lon hoặc chai, không nên cho các em uống các loại nước vỉa hè bụi bặm. Ăn sạch, là ăn các loại thức ăn đã nấu chín không để quá 2 giờ, khi ăn rau sống phải rửa thật kỹ bằng nước muối. Tất cả thức ăn khi chưa dùng đều phải đậy kỹ, tập cho trẻ thói quen rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi tiêu.
BS. Ngọc Lan
st
 
Top