Ðề: Kazan (Ca-dăng) - James Oliver Curwood
Chương XIII : GIÁO SƯ PÔN UÂY-MAN CHỤP ẢNH KAZAN VÀ SÓI XÁM
Chúng còn đi hai ngày nữa theo hướng tây. Vùng đất lúc này chúng đang sống là vùng “nước đọng” vô cùng ẩm ướt và lầy lội. Chúng ở lại đấy hết mùa hè.
Cũng trong vùng này, một người da đỏ lai Pháp, tên là Hăng-ri Lô-ti, đã dựng một cái chòi.
Người mảnh khảnh, nước da đỏ sậm, anh vốn là một trong những tay săn mèo rừng nổi tiếng nhất trong cái xứ sở rộng lớn lân cận vịnh Hơt-xân. Nước đọng đối với thú rừng là một đất nước lý tưởng, nơi mà thỏ trắng nhung nhúc kể có hàng vạn. Mèo rừng vốn ưa thích giống thịt này nên cũng rất nhiều. Hăng-ri Lô-ti từ một trạm của vịnh, đến vào đầu mùa thu để khảo sát “dấu hiệu” của loài thú này và đã dựng một cái chòi, cách hang Kazan và Sói Xám độ năm sáu dặm.
Bước sang đông, ngay từ trận tuyết đầu tiên, anh người lai trở lại cái chòi nói trên với cả xe, chó, bẫy, và lương thực dự trữ. Ít lâu sau, một hôm người chỉ đường đã dẫn đến cho anh một người lạ mặt muốn xin ở nhờ.
Đấy là một người trạc băm hai băm ba tuổi, hồng hào, tràn đầy sức sống, giáo sư động vật học; ông đang thu thập tài liệu cần thiết cho một tác phẩm quan trọng ông định viết, nhan đề :
“ Tư duy và bản năng của các loại thú Sơn Lâm”
Ông mang rất nhiều giấy để ghi chép những điều quan sát được, một máy ảnh và bức chân dung người vợ trẻ. Vũ khí độc nhất của ông là một con dao nhíp.
Ngay buổi sơ kiến, ông tỏ ra được thiện cảm của Hăng-ri Lô-ti. Thật vô cùng may mắn. Vì hôm ấy anh người lai đang bực bội cáu gắt. Ngay tối hôm ấy, anh giải thích cho ông khách rõ lý do thái độ của mình, lúc hai người ngồi hút thuốc bên cạnh cái bếp lò tỏa ánh đỏ rực.
“Kỳ lạ thật ! Kỳ lạ thật ! – anh người lai nói - Thế là bảy con mèo rừng bẫy được, con nào cũng hoàn toàn bị xé nát cả.Cứ như là một đống xương thỏ bị cáo ăn, không nói sai. Cho đến nay, không một con thú nào, kể cả gấu nữa, lại tấn công một con mèo rừng đã bị bẫy. Đây là lần đầu tiên tôi gặp một chuyện như thế này. Tấm da bị xé nát còn lại không đáng giá nửa đô-la. Bảy con mèo rừng, mất đứt hai trăm đô-la ! Chỉ có hai con sói chơi tôi cái trò này. Hai, luôn luôn hai, không bao giờ một. Tôi biết thế là nhờ dấu chân chúng để lại. Chúng lần theo hàng bẫy của tôi, và còn ăn thêm tất cả số thỏ bị tóm. Chúng chê mèo cá, chồn nâu, chồn trắng, trái cá, chắc hẳn vì dở quá. Nhưng mèo rừng thì mẹ kiếp ! Chúng nhảy lên mình nó và cắn xé bộ lông như khi ta bứt bông dại mọc trong bụi rậm. Tôi đã thử nhét nhân ngôn vào trong mỡ hươu. Tôi đã đặt bẫy thép, nguỵ trang rất khéo, đã dùng bẫy sập, con nào mắc vào là chỉ có chết. Chúng coi thường tất. Nếu tôi mà không tóm được chúng thì chúng buộc tôi phải bán xới nơi đây. Tôi bẫy được năm con mèo rừng đẹp, thì chúng xé của tôi mất bảy ! Việc đó không thể tiếp tục thế này mãi được.”
Câu chuyện này đã thu hút Pôn Uây-man một cách đặc biệt. Ông thuộc loại có đầu óc suy nghĩ ngày càng nhiều, cho rằng thường thường, do lòng ích kỷ của nòi giống, con người hoàn toàn mù quáng trước nhiều sự việc của tạo hoá, mà không phải là những sự việc kém thú vị nhất. Ông đã không ngại lớn tiếng tuyên bố, và nhờ sự khẳng định táo bạo đó mà ông nổi tiếng trong toàn bộ nước Ca-na-đa, rằng con người không phải là sinh vật duy nhất có khả năng suy luận về hành động của mình, và trong hành động khéo léo, đúng lúc của một con vật, có thể có một cái gì khác ngoài bản năng.
Ông cho rằng đằng sau những sự việc Hăng-ri Lô-ti kể, có một lý do thầm kín rất thú vị cần phát hiện. Mãi cho đến tận nửa đêm, câu chuyện chỉ xoay quanh hai con sói bí mật.
“ Có một con to một con nhỏ - anh người lai nói - và lúc nào cũng chính con đó khai chiến và đánh nhau với con mèo rừng bị bẫy. Điều đó, vẫn những dấu vết để lại trên tuyết làm cho tôi biết. Suốt thời gian cuộc chiến, con sói nhỏ đứng cách ra, và chỉ khi nào con mèo rừng quỵ, nó mới đến giúp con sói kia xé xác địch thủ. Điều đó nữa, cũng do vết để lại trên mặt tuyết nói rõ cho tôi biết. Chỉ có một lần, tôi có thể nhận thấy là con sói nhỏ cũng xông vào vòng chiến. Lần này hẳn là phải quyết liệt hơn vì trên mặt tuyết có một thứ máu khác hoà vào máu con mèo rừng. Nhờ một vệt máu đó, tôi đã lần theo dấu vết hai con quỉ suốt một dăm đường. Thế rồi mất hút, như thường lệ, vào trong những bụi rậm không tài nào vào được.”
Hôm sau và hôm sau nữa, nhà động vật học cùng với Hăng-ri lần theo đường đặt bẫy, và ông cũng nhận thấy là luôn luôn có hai dấu chân.
Ngày thứ ba, hai người đến một cái bẫy tại đó có một con mèo rừng chân bị giữ chặt. Họ lại thấy chỗ con sói nhỏ ngồi trên tuyết, chờ cho bạn cắn chết con mèo rừng. Nhìn thấy những gì còn lại của con vật, bộ lông hoàn toàn rách nát không còn tí giá trị gì, anh người lai đỏ mặt, và tuôn ra tất cả cái vốn từ chửi rủa vừa bằng tiếng Anh vừa bằng tiếng Pháp.
Pôn Uây-man không nói gì nhiều về việc đó với người bạn đường, để khỏi làm anh bực mình thêm; ông càng thấy rõ là đằng sau hành động bất thường kia cũng có một lí do gì bí hiểm. Tại sao hai con vật lại chỉ quyết diệt mỗi giống mèo rừng. Đó là dấu hiệu của mối thù không đội trời chung gì?
Pôn Uây-man cảm thấy mình đặc biệt xúc động. Ông vốn yêu quý tất cả mọi muôn thú và vì lý do đó, không bao giờ ông mang súng theo người. Khi ông trông thấy anh người lai đặt mồi tẩm thuốc độc trên đường đi của hai con vật ăn trộm kia, tim ông như thắt lại. Và những ngày sau, khi thấy bã vẫn nguyên vẹn không suy chuyển, ông hết sức mừng rỡ. Một cái gì đó khiến ông thấy mến những con vật anh hùng, sống ngoài vòng pháp luật, chưa hề quen biêt đó, không lúc nào chúng bỏ lỡ dịp giao chiến với giống mèo rừng.
Trở về chòi, nhà động vật học vội ghi chép ngay những nhận xét trong ngày và những kết luận rút ra từ đó.
Một tối, ông nhìn Hăng-ri Lô-ti và hỏi đột ngột :
- Này anh Hăng-ri, có bao giờ anh thấy hối hận đã tàn sát nhiều súc vật như vậy không ?
Anh người lai nhìn vào mắt ông, lắc đầu, rồi nói :
- Đúng là trong đời tôi đã từng giết hàng nghìn hàng vạn con thú. Và tôi sẽ còn giết hàng nghìn hàng vạn con nữa mà không mảy may xúc động.
- Trong vùng Sơn Lâm có nhiều người như anh – Pôn Uây-man lại nói - Từ bao thế kỷ nay đều thế. Cũng như anh, họ gieo chết chóc, họ tiến hành cái có thể là cuộc chiến tranh giữa người và vật. Nhờ trời, họ chưa đạt được mục đích là tiêu diệt hoang thú ở khắp nơi. Văn mình của con người chưa len lỏi đến được những vùng núi non, rừng rú đầm lầy rộng hàng vạn dặm vuông này.
Có lẽ mãi mãi vẫn in rõ những dấu vết cũ. Tôi nói có lẽ … Vì ở ngay giữa vùng hoang vu, này nay mọc lên những làng xóm, đô thị. Anh có nghe nói đến Bắc Ba-tơn-phoóc không ?
- Có phải gần Mông-rê-an hay Kê-bếch không ? – Hăng-ri hỏi lại.
Uây-man mỉm cười, rút ở túi ra một tấm ảnh. Đó là chân dung một thiếu phụ.
- Không – ông đáp – Xích sang phía Tây nhiều kia, trong vùng Xa-cát-sơ-van. Cách đây bảy năm, hàng năm trong mùa săn, tôi thường đến đấy bắn gà rừng, sói đồng (1) và hươu nhài quạt. Dạo ấy chẳng có Bắc Ba-tơn-phoóc nào cả. Trên mấy mươi dặm vuông, chỉ có đồng cỏ tuyệt vời. Một cái chòi duy nhất dựng lên bên bờ sông Xa-cát-sơ-van, chính ở nơi này mọc lên Bắc Ba-tơn-phoóc. Tôi trú ngụ trong cái chòi đó. Một cô bé mười hai tuổi ở đấy với bố. Cô thường đi săn cùng với tôi. Khi tôi bắn chết một con gì, đôi khi cô khóc, và tôi lại chế giễu cô… Một đường tàu xuất hiện, rồi lại một đường tàu khác. Hai đường sắt gặp nhau, đúng ngay gần cái chòi. Thế là đột ngột một thành phố nhỏ mọc lên. Cách đây bảy năm, anh nghe rõ chứ, Hăng-ri, chỉ có một cái chòi. Cách đây hai năm thành phố đã có một nghìn tám trăm dân. Năm nay, lúc đi qua đó để đến đây, tôi thấy nó có năm nghìn dân. Trong hai năm nữa sẽ có mười nghìn …
Pôn Uây-man kéo một hơi thuốc rồi nói tiếp :
- Tại chỗ cái chòi, có ba ngân hàng, mỗi cái vốn đến bốn mươi triệu đô-la. Ban đêm, cách hai mươi dặm, người ta nhận thấy ánh điện của Bắc Ba-tơn-phóc. Thành phố có một trường tiểu học xây hết mưới vạn đô-la, một trường trung học, một nhà an dưỡng cấp tỉnh, một trại lính cứu hoả rất đẹp, hai cái chuông, một sở Lao Động và, không lâu nữa, sẽ có tầu điện chay. Nơi cách đây bảy năm chỉ có sói đồng, phải... Dân số tăng nhanh đến nỗi cuộc điều tra dân số vừa làm xong đã lạc hậu rồi. Trong năm năm nữa, xin nói với anh, sẽ là một thành phố hai vạn dân ! Và cô bé ở cái chòi kia, anh Hăng-ri ạ, ngày nay là một cô gái rất xinh, đang đến tưổi hai mươi. Bố mẹ cô... Lạy chúa, phải ! Bố mẹ cô lại giàu có Nhưng cái chính là chúng tôi sẽ phải thành hôn vào mùa xuân tới. Để làm vui lòng cô, tôi đã thôi không bắn chết một con thú nào nửa. Con vật cưối cùng tôi bắn là một con sói đồng cái, có con nhỏ. E-len giữ được mấy con sói con. Nàng nưôi và thuần hoá chúng. Vì vậy tôi yêu quý sói hơn tất cả mọi giống thú vùng Sơn Lâm. Và tôi hy vọng rằng hai con sói ta nói chuyện sẽ thoát khỏi bẫy và thuốc độc của anh.
Hăng-ri Lô-ti, anh người lai, ngơ ngác nhìn Pôn Uây-man. Ông đưa bức chân dung cho anh. Đấy là chân dung một cô gái, có gương mặt hiền hậu, đôi mắt trong sâu. Giáo sư thấy anh người lai vừa ngắm ảnh vừa cau trán, cắn môi.
- Tôi cũng vậy – anh cảm động nói – tôi cũng đã yêu, ông Pôn Uây-man ạ. Lô-vô-ca da đỏ của tôi đã chết được ba năm. Cô ấy cũng yêu quý thú rừng… Nhưng mấy con sói trời đánh này chúng xé nát hết tất cả mèo rừng của tôi thì tôi quyết phải lột da chúng nó! Nếu tôi không giết được chúng, thì chính chúng nó sẽ tống khứ tôi ra khỏi cái chòi này.
Lúc nào cũng bị ý nghĩ đó ám ảnh, một hôm Hăng-ri, bắt gặp được dấu chân mèo rừng mới, anh nhận thấy dấu chân này chui xuống dưới một cây đổ rất to, những cành chính chống đỡ thân cây lên cách mặt đất độ ba bốn mét, tạo thành một thứ hang không sao chui vào lọt. Tuyết xung quanh bị dẫm nát và có lông thỏ rải rác.
Anh người lai xoa xoa tay, nói rối rít :
- Tôi sẽ tóm được con mèo rừng ! Cùng với cả bọn sói !
Không chậm trễ, anh ta bắt tay vào bố trí bẫy.
Dưới cái cây đổ, anh đặt một cái bẫy thép thứ nhất có xích buộc dính vào một cành to. Rồi quanh cái bẫy đó, trong một vòng tròn độ ba mét, anh dàn năm bẫy nhỏ hơn, cũng có xích dằng vào những cành khác. Cuối cùng, anh để mồi lên cái bẫy to, sau khi đã nguỵ trang nó cũng như các cái khác bằng rêu và cành lá.
- Cái bẫy to và miếng mồi – anh giải thích cho Pôn Uây-man – dành cho con mèo rừng. Mấy cái bẫy xung quanh dành cho bọn sói. Lúc con mèo rừng bị sập rồi, và khi chúng đến để giao chiến với nó, nếu chúng không bị một trong số bẫy kia tóm lấy thì có hoạ chúng là quỉ sứ.
Suốt đêm hôm sau, Kazan và Sói Xám đi cách cái cây đổ độ một trăm bước. Khướu giác rất tinh của Sói Xám nhận ra ngay trong không khí có mùi người đã lảng vảng qua đấy, Nó chuyển ngay cái ý ám ảnh đó cho Kazan bằng cách tì mạnh vai thêm vào vai Kazan. Cả hai liền quay lại và, vừa nương mình theo chiều gió, tránh xa khỏi địa điểm nghi ngờ đó.
Hôm sau, thật đúng lúc, một đợt tuyết nhẹ rơi xuớng, phủ kín dấu chân và mùi hơi người.
Lại ba ngày và ba đêm giá rét, tràn ngập ánh sao, không có gì xảy ra cả. Hăng-ri vẫn không nản. Y giải thích cho giáo sư rõ là con mèo rừng này cũng thuộc loại săn mồi có phương pháp, hẳn nó còn bận lần theo và tìm kiếm những dấu vết mà chính nó đã phát hiện được trong tuần trước.
Ngày thứ năm, con mèo rừng quay lại cạnh cái cây đổ và đi thẳng đến miếng mồi mà nó nhận thấy trong khung cành lá. Cái bẫy răng nhọn sập ngay lại, không thương tiếc, cắn chặt một chân sau con vật.
Kazan và Sói Xám đang đi cách đấy độ một phần tư dặm, nhận được tiếng thép bật và tiếng xích loảng xoảng mà con mèo rừng cố vùng vẫy kéo.
Mười phút sau chúng đến.
Trời đêm trong sáng quá, nhiều sao quá, đến nỗi nếu không chờ bẫy chính Hăng-ri cũng đã đi săn.
Con mèo rừng, kiệt sức vì cố vùng vẫy, nằm sóng soài dán bụng xuống đất lúc Kazan và Sói Xám, chui qua vòm cây, xuất hiện. Như thường lệ Kazan giao chiến ngay, còn Sói Xám ngồi hơi lùi phía sau.
Con mèo rừng là một đấu sĩ lão luyện, sáu bảy tuổi đời, đang lúc saung sức và nặng cân. Móng vuốt nó dài đến hơn hai phân, khoằm khoằm như những con dao quắm. Giá đụng đầu với nó lúc nó tự do, chắc chắn Kazan đã phải trải qua mươi lăm phút ác liệt. Tuy bị giữ một chân, con mèo to vẫn còn là một địch thủ đáng gờm. Địa điểm chiến đấu quá hẹp đối với Kazan, rất khó vận động nên thêm phần bất lợi cho nó.
Thấy Kazan, con mèo rừng lùi lại, cùng với sợi xích và cái bẫy, để có chỗ lấy thế. Phải tấn công trực diện. Kazan làm đúng thế. Thình lình nó nhảy tới, hai đối thủ gặp nhau, vai chọi vai.
Nanh chó sói định đớp vào yết hầu mèo rừng nhưng hụt mất. Trước lúc bộ nanh định diễn lại miếng đòn thì mèo rừng, trong một cố gắng sôi sục, giật được chân ra khỏi gọng kìm thép. Sói Xám nghe được cái tiếng khủng khiếp của da thịt và các cơ bắp bị giằng xé ra. Kazan giận dữ gầm lên, nhảy lùi ngay về phía sau, vai đã bị rách toạt đến tận xương.
Đúng lúc ấy, nhờ số may của nó, cái bẫy thứ hai lại sập, cứu nó thoát một đòn tấn công thứ hai của con mèo rừng và cái chết chắc chắn. Hai hàm răng thép cắn chặt lấy một chân trước của con mèo to, thế là Kazan được thở phào nhẹ nhõm.
Tuy không nhìn thấy, nhưng qua tiếng rên tỉ đau đớn của Kazan, hiểu được cái thế hiểm nghèo của bạn, con sói mù vội luồn lách dưới vòm cây để đến ứng cứu.
Nó nhảy vào con mèo rừng và tức khắc rơi vào cái bẫy thứ ba : cái bẫy tàn bạo giữ chặt lấy nó và quật nó ngã sang một bên, vừa cắn đớp, vừa gầm gừ.
Kazan đã quay lại trận chiến, chờn vờn quanh con mèo rừng một lúc thì làm sập luôn cái bẫy thứ tư, nhưng nó thoát được, rồi cái bẫy thứ năm ngoạm vào một chân sau của nó. Lúc ấy đã quá nửa đêm.
Mãi cho đến tận sáng, trong cái hang cây đó, trên nền đất tuyết phủ là một cảnh hỗn loạn, vẫy vùng, gáo rống, của con sói cái, của con chó sói và của con mèo rừng, con nào cũng cố sức tự giải thoát khỏi bẫy và xích đang ghìm chặt chân chúng nó.
Khi trời đông chớm rạng, cả ba đều kiệt sức nằm vật ra thở hồng hộc, hàm bê bết máu me, chờ đợi con người và cái chết.
Hăng-ri Lô-ti và Pôn Uây-man đã dậy rất sớm. Đến gần cái cây đổ, anh người lai nhận ra trên tuyết hai dấu chân của Sói Xám và Kazan. Gương mặt đỏ của anh hồi hộp giật giật, sáng lên một niềm vui mãnh liệt.
Lúc hai người đến trước cái hang hiểm độc kia, họ đứng lại một lúc. Chính Hăng-ri cũng không lường đến một kết quả toàn vẹn như thế và anh chưa bao giờ thấy một cảnh tượng tương tự : hai sói một mèo rừng, cùng bị tóm một lúc, cả ba cùng bị ngoạm vào chân và xích giữ chặt.
Nhưng nhanh như chớp, bản năng thợ săn của Hăng-ri vùng dậy. hai con sói ở gần anh hơn, anh đã nâng súng lên để tì vào vai và nhả đạn vào óc Kazan.
Không kém nhanh, Pôn Uây-man nắm chặt lấy cánh tay hăng-ri. Anh tỏ vẻ ngạc nhiên :
- Khoan, Hăng-ri, đừng bắn! – ông thét lên – con này không phải sói. Anh nhìn xem ! Nó đã từng mang vòng. Cổ nó trầy da nên lông chưa mọc đủ. Nó là chó đấy.
Anh người lai hạ súng xuống nhìn chăm chú.
Trong thời gian đó, mắt nhà động vật học quay sang Sói Xám, con này nhìn thẳng vào ông, gầm gừ, nhe nanh, sẵn sàng cắn xé kẻ địch mà nó không trông thấy. Nơi lẽ ra là đôi mắt thì chỉ thấy một lớp da bị lông che gần kín.
Một tiếng kêu thốt lên từ đôi môi Uây-man :
- Nhìn xem ! Nhìn xem ! Hăng-ri ! Trời ơi, gì thế này ?
- Một con là chó, đã quay về với sói và đã trở lại tình trạng dã thú. Con kia đúng là Sói, hay đúng ra là sói cái …
- Và lại mù ! – Pôn Uây-man nói với một âm sắc thương hại.
- Phải rồi ! Mù ! – anh người lai trả lời, ngạc nhiên.
Anh định nâng súng lên lần nữa. Uây-man lại can thiệp.
- Đừng giết nó, Hăng-ri ! Tôi van anh. Hãy để chúng nó sống cho tôi. Anh cứ trị giá con mèo rừng đã bị chúng nó làm hỏng mất bộ lông đi. Thêm vào đó số tiền thưởng thường lệ về sói. Tôi xin trả tất cả. Còn sống, hai con vật đó có một giá trị không lường được đối với tôi. Một con chó chung sống với một con sói mù ! Thật là kỳ diệu, anh nghĩ xem !
Tay ông cứ giữ chặt lấy khẩu súng của Hăng-ri. Còn Hăng-ri thì không hiểu hết những lời ông nói nên cứ nghĩ bụng là ông hơi say.
Nhưng nhà động vật học mỗi lúc một sôi nổi hơn. Hai mắt ông hăm hở sáng ngời.
- Một con chó và một con sói cái mù, lấy nhau ! Thật là hiếm hoi hết chỗ nói và vô cùng thí vị ! Rồi đây, ở thành phố, khi đọc chuyện đó trong cuốn sách của tôi họ sẽ bảo là tôi bịa đặt hay là tôi điên. Nhưng tôi sẽ cung cấp đầy đủ bằng chứng. Ngay tại đây và ngay tức khắc, tôi sẽ chụp một loạt ảnh về cái cảnh lạ lùng trước mắt chúng ta. Sau đó anh cứ giết con mèo rừng. Nhưng tôi, tôi xin giữ lại con chó và con sói cái còn sống. Và tôi sẽ trả cho anh, Hăng-ri ạ, một trăm đô la mỗi con, đồng ý chứ ?
Anh người lai gật đầu.
Lập tức, giáo sư mở túi xách lấy máy ảnh ra và chuẩn bị ngắm.
Một bản đồng ca gầm gừ, của sói cái và mèo rừng chào đón tiếng lách tách của máy ảnh. Riêng Kazan không nhe nanh ra. Và nếu nó có lên gân, thì không phải là nó sợ mà vì một lần nữa nó nhìn nhận uy thế hơn hẳn của con người.
Sau khi chụp xong hai mươi kiểu ảnh, Pôn Uây-Man đến gần con chó sói và dịu dàng với nó. Dịu dàng đến nỗi Kazan tưởng như lại được nghe giọng nói của người đàn ông và người phụ nữ của cái chòi gỗ hoang trước đây.
Sau đó, Hăng-ri bắn một phát vào con mèo rừng, và Kazan vừa giằng xích vừa nhay xích, vừa gầm gừ rất dữ tợn trước cái xác kẻ thù đang quằn quại dẫy chết.
Tiếp đó, hai người lồng một sợi dây da rất chắc quanh cổ Kazan rồi tháo bẫy ra cho nó. Con chó sói để mặc cho làm và họ dắt nó về chòi. Lát sau, họ quay lại với một sợi dây chập ba và cũng làm như thế với con sói mù. Nó kiệt sức đến mức cũng không buồn chống cự nữa.
Thời gian còn hại trong ngày, Hăng-ri và Pôn Uây-Man dùng để đóng một cái chuồng to chắc, lấy những khúc thông non làm chấn song. Xong chuồng, họ nhốt cả hai con bị bắt vào đó.
Hai hôm sau, trong khi anh người lai đi cất bẫy thì Pôn Uây-Man ở chòi một mình, đánh bạo luồn tay qua song chuồng vuốt ve Kazan. Nó để yên cho ông vuốt. Hôm sau ông cho con chó sói một miếng thịt nai sống. Nó cũng ăn.
Nhưng với Sói Xám thì không được như thế. Vừa cảm thấy nhà động vật học đến gần, là nó vội nép xuống dưới bó cây người ta bỏ vào chuồng để làm ổ cho nó. Bản năng hoang thú đã dạy cho nó rằng con người là kẻ thù nguy hiểm nhất.
Tuy nhiên đối với nó, người này không đáng sợ tí nào. Ông ta không làm gì đau đớn cho nó và Kazan cũng không chút sợ hãi. Vì vậy chẳng mấy lúc thái độ sợ hãi ban đầu nhường chỗ cho một vẻ tò mò và sự thân thiện này càng tăng. Cuối cùng nó thò cái đầu mù ra khỏi mớ cành cây, hướng về phía ông Uây-man, hít hít không khí khi ông đứng trước chuồng cố gây hiện cảm với Kazan.
Nhưng nó không chịu ăn bất cứ một thứ gì. Uây-man dỗ dành nó với những miếng mỡ hươu, mỡ nai ngon nhất mà vẫn vô hiệu. Năm ngày, sáu ngày, bảy ngày trôi qua, nó vẫn không chịu ăn lấy một miếng gì. Cứ như vậy, mỗi ngày nó một gầy và người ta có thể đếm được xương sườn của nó.
Con vật sẽ chết mât – tối thứ bảy Hăng-ri Lô-ti nói với ông bạn – Nó nhất định nhịn đói đến chết. Muốn sống, nó cần phải có rừng, thịt thú và máu tươi. Nó đã hai ba tuổi, quá già để có thể văn minh hoá được nó.
Nói xong, anh người lai lẳng lặng đi nằm, mặc cho Pôn Uây-Man hoang mang lo lắng.
Đêm ấy, Uây-man thức rất khuya. Thoạt tiên ông viết một bức thư dài cho cô gái có khuôn mặt hiền hậu ở Bắc Ba-tơn-phoóc. Rồi ông thổi tắt đèn và qua ánh hồng của lò sưởi, ông tự hình dung ra trăm nghìn hình ảnh êm dịu về cô.
Ông thấy cô như hồi mới gặp lần đầu tiên, trong cái chòi hẻo lánh vùng Xa-cát-sơ-van, với một bím tóc dày óng ánh và trên đôi má ửng hồng tất cả vẻ tươi mát của nội cỏ.
Một thời gian rất lâu cô căm ghét ông, phải, căm ghét thật sự, vì cái thú bắn giết của ông. Rồi ảnh hưởng của cô đã hoàn toàn chuyển biến được ông và nhờ thế hôm nay ông biết ơn cô một cách vô cùng sâu sắc.
Ông đứng dậy khẽ mở cửa chòi. Theo bản năng, mắt ông quay về phía bầu trời xa, nơi có Bắc Ba-tơn-phoóc. Dưới ánh sao vằng vặc ông trôn thấy cái chuồng nhốt Kazan và Sói Xám.
Ông lắng nghe, văng vẳng có tiếng động. Sói Xám đang lẳng lặng gặm nhấm song nhà tù. Một lúc sau, ông nghe có tiếng rên rỉ nghẹn ngào. Gần giống như một tiếng thổn thức. Đấy là Kazan đang khóc cảnh từ nay không còn tự do.
Một cái rìu để tựa vào vách chòi. Uây-man nắm lấy rìu và thầm lặng mỉm cười. Ông đang nghĩ đến một tâm hồn khác, cách đấy hàng nghìn dặm, lúc này đang nhìn ông và hưởng ứng cử chỉ của ông.
Ông tiến đến bên chuồng thú, vung cái rìu thép lên. Mười nhát, mười hai nhát, bổ rất chắc. Thế là hai song gỗ thông gãy. Đoạn ông lùi lại.
Sói Xám đến bên lỗ hổng trước tiên và, dưới ánh trời sao, chui ra như một cái bóng.
Nhưng nó không chạy trốn ngay. Nó đứng chờ Kazan ở quãng rừng thưa dựng chòi.
Không để phải đợi lâu, Kazan cũng ra theo. Cả hai đều đứng đó một lúc, không nhúc nhích, hơi ngạc nhiên. Cuối cùng, chúng thong thả chạy xa dần, vai Sói Xám sát vào mạn sườn Kazan.
- Sóng đôi... – ông Uây-man lẩm bẩm – Suốt đời bên nhau, cho đến chết.
---------------------------
(1) một loại sói nhỏ