Ðề: Mỗi ngày một cuốn sách
Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ
Người giới thiệu:
Hà Tùng Sơn
Lượt xem: 5257
- Tựa sách:
Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ
- Tác giả:
Nguyễn Nhật Ánh
- Ngôn ngữ:
Tiếng Việt
- Lĩnh vực:
Văn học Việt Nam
- Đối tượng đọc:
Tất cả mọi người
- Năm xuất bản:
2008
- Đơn vị xuất bản:
NXB Trẻ
- Số trang:
220
- Giá sách:
28.500 VND
- Mua tại:
Các nhà sách trên toàn quốc
-
Tôi đã đọc cuốn sách này gần như là một lèo sau khi có được nó trên tay; sau đó đọc lại từ từ những chương, đoạn ưa thích. Và khi gấp lại trang cuối cùng của cuốn sách, tôi cứ thấy tiêng tiếc là nó đã hết mất rồi. Đó là điều đã thúc giục tôi giới thiệu Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ với các bạn.
Nguyễn Nhật Ánh đúng là nhà văn có ma thuật trong dẫn dắt câu chuyện và sử dụng từ ngữ. Nhưng trên hết, anh có một vốn sống vô cùng phong phú để để xây đắp cho tác phẩm thật hấp dẫn từ người lớn cho chí trẻ con. Những mẩu chuyện mà khi đọc đến đâu, tôi thấy như là tác giả đang viết về một phần tuổi thơ của mình vậy. Cũng lười học, cũng cúp cua, cũng chơi những trò ba trợn ba trạo ngu ngu dại dại khiến các bậc phụ huynh điên tiết lên và thất vọng về tương lại cho đứa con quý tử của mình.
Đã ở tuổi gần 50, sau 40 năm nhìn lại, tác giả, và tất cả những người lớn chúng ta thấy mình đã có, đã đi qua và bỏ lại sau lưng một quãng đời thật hồn nhiên, thật trong trẻo và vô cùng đẹp đẽ. Một quãng đời mà ngày nay dù có nghìn vàng chúng ta cũng không thể mua nổi, dù chỉ là một ngày. Chao ôi là tiếc!
Tôi đồng cảm với tác giả Nguyễn Nhật Ánh khi nhớ về tuổi thơ vói bao niềm tự hào và nuối tiếc. Và vì thế mà phải cầu khẩn xin một tấm vé cho hành trình trở về tuổi thơ. Một lời cầu xin trong tuyệt vọng.
Những nhân vật chính của câu chuyện: Hải cò, Tí sún, Cu Tủn, Cu Mùi đã có một tuổi thơ thật phong phú, phong phú đến mức lũ trẻ phố phường ngày nay đọc đến mà phát thèm.
Tôi đọc mà cứ ngẫm nghĩ là sẽ thật bất hạnh cho ai đó nếu đã không có được dù chỉ một ngày, một tuổi thơ như thế, dẫu cho hôm nay người đó có thành đạt đến đâu đi nữa.
Tuy nhiên, có lẽ do say mê hồi tưởng quá mà trong cuốn sách này, Nguyễn Nhật Ánh cũng có lúc lú lẫn. Ở vào thời điểm của bốn mươi năm trước, nghĩa là trong khoảng những năm 70 thì nước ta đã làm gì có điện thoại di động. Và như vậy thì làm gì có chuyện ở tuổi lên 8 của bốn muơi năm về trước, cậu bé Mùi đã biết mượn điện thoại di động của chú Nhiên để nhắn tin hẹn hò với cô bé Tủn. Và như thế thì chương "Buồn ơi là sầu" không thể có được ở trong sách này. Dù là chương này Nguyễn nhật Ánh đã viết rất hay!
Thiên tài cũng đãng trí, cũng có lúc mất sáng suốt là vậy.
Lưu ý khi đọc
Những người lớn chúng ta, những người "từng là trẻ em" đọc cuốn sách này không chỉ là để thưởng thức và hồi tưởng. Hãy xem đó là những bài học, ít ra là những tư liệu tham khảo, những gợi ý cho cho việc ứng xử với tuổi thơ của con em chúng ta. Trong cuộc sống nhung lụa ngày nay, tuổi thơ của con em chúng ta vô tình trở nên bất hạnh hơn chúng ta ngày xưa rất nhiều, dù ngày xưa chúng ta biết đến khoai sắn nhiều hơn đường sữa. Trẻ con ngày nay học ngày học đêm, học đến mụ mẫm cả đầu, học đến tâm thần (chứ không phải là học đến thiên tài).
Trẻ em ngày nay nhiều đứa không co tuổi thơ chỉ vì học và học.
Đó là lỗi của người lớn chúng ta.
Các bậc phụ huynh hãy nhớ về tuổi thơ của mình để nuôi dạy con em mình. Nếu quên thì hãy ra hiệu sách mua ngay lấy một cuốn Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ để đọc và nhớ lại.
Những trích dẫn đặc sắc / Những lời nhận xét đặc biệt về sách
"... Đêm nay tôi bước vội khỏi nhà
Đến ga
xếp hàng mua vé:
Lần đầu tiên trong nghìn năm,
Có lẽ.
Cho tôi xin một vé
đi tuổi thơ.
Vé hạng trung -
Người bán vé hững hờ
Khe khẽ đáp:
Hôm nay vé hết!"
(Bài thơ ở cuối sách)
Những nội dung khác
Trên một chuyến tàu đêm từ Sài Gòn về Diêu trì, tôi mang theo cuốn Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ để đọc trên dọc chuyến hành trình. Có chú bé con nằm ở tầng dưới nhìn lên thấy cuốn sách đã đọc thuộc lòng vanh vách câu khuyến cáo mà Nguyễn Nhật Ánh đã viết ở bìa cuối: "Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai từng là trẻ em."
6 giờ sáng, chuyến tàu SE5 hú còi vào ga Diêu Trì. Tôi vội vàng xách cặp bước xuống sân ga và bỏ lại chỗ nằm trên tàu cuốn sách ưa thích. Nhưng tôi đã không tiếc lắm vì nghĩ là sự quên của mình có thể mang đến niềm vui cho ai đó khi lên nằm ở chiếc giường mà mình đã từng nằm trên chuyến tàu xuyên Việt theo hướng Nam - Bắc ấy.
Một sáng chủ nhật, tôi ra siêu thị sách Quy Nhơn để mua lần thứ hai cuốn Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ. May mắn thay, cuốn sách vẫn còn. Đời tôi cũng có lúc may mắn thế đấy.
Ý kiến chia sẻ
Hà Tùng Sơn Nếu nói như Nguyễn Nhật Ánh là cuốn sách được viết trong một khoảng thời gian không xác định thì đó chỉ là ngụy biện. Thực tế, bất kỳ một ai khi đọc Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ cũng thấy ngay thời gian Nguyễn Nhật Ánh viết là ở thì hiện tại. Vậy thì chương 4 "Buồn ơi là sầu" là một đứa con của sự tưởng tượng lắp ghép của tác giả, lấy cái hôm nay để ấn vào cho cái hôm qua. Tuy nhiên, cuốn sách không vì thế mà mất đi sự hấp dẫn. Còn cái gì chưa hợp lý thì cũng phải chỉ ra chứ. Vậy mới gọi là đọc sách!
Thứ Ba, 24/06/2008, 15:17
Phan Trọng Trung
Ai đọc quyển sách này cũng sẽ bắt gặp một chút tuổi thơ của mình trong đó, những hồi tưởng lúc nhỏ cứ hiện ra sau mỗi đoạn, mỗi chương.
Quyển sách với ngôn từ gần gũi, nhẹ nhàng, đã giới thiệu cho nhiều người, đã tặng luôn cuốn của mình, và khi nào thấy ngộp quá thì sẽ mua đọc nữa
.Thứ Hai, 12/01/2009, 09:13
Đinh Thị Quỳnh Hoa
Tôi đã đọc cuốn sách nhiều lần mà vẫn cảm thấy chưa đủ. Dường như ở đó tôi tìm thấy cái gì đó của tuổi thơ, một chút suy nghĩ, tưởng tượng ngốc nghếch của chính tôi ba mươi năm trước. Có điều ngày đó chưa có phương tiện hiện đại để mà bày trò như những cô cậu trong truyện mà thôi. Cảm ơn nhà văn đã cho độc giả một món ăn tuy không nhiều gia vị nhưng thật ngon.
Thứ Ba, 10/02/2009, 15:01
Lê Thị Huyền Trang
Nguyễn Nhật Ánh viết cho những ai đã từng là trẻ thơ, tôi cũng đã từng có một tuổi thơ gần như thế. Đọc truyện này không những làm tôi thấy rất vui, rất hứng thú mà còn cho tôi tìm lại được tuổi thơ đã đi qua của mình - hồn nhiên, trong sáng, ngọt ngào... Tôi phải cảm ơn Nguyễn Nhật Ánh rất nhiều.
Thứ Sáu, 27/03/2009, 08:39
Phan Phúc
Đọc nó thì những đứa trẻ chôn tuổi thơ của mình trong lớp học như tôi cũng thấy được chút vui của tuổi thơ.
Thứ Hai, 20/04/2009, 09:50
Đặng Hồng Nhung
Tôi chưa thấy một ai chê quyển sách này thì phải. Nhưng thú thực nó không hấp dẫn tôi như những gì tôi được nghe, như tựa đề cuốn sách. Có lẽ tuổi thơ của tôi không được phong phú lắm chăng? Hoặc khả năng cảm nhận còn hạn chế quá. Khi nhìn thấy quyển sách này ngoài hiệu,tôi đã nhất quyết mua nó,vì tôi cũng vốn thích Nguyễn Nhật Ánh,và tên sách hấp hẫn quá chừng,và đọc mấy dòng đầu thấy tâm đắc quá,cứ như tiếng lòng mình vậy. Nhưng đọc thì hơi thất vọng, sao tôi cứ cảm thấy ông hơi khiên cưỡng, như bắt mình là trẻ con vậy, chứ không phải một dòng chảy liền mạch tự nhiên. Đọc đến lần thứ 2 thì thích hơn. Nhưng dù sao thì cũng có một điểm tôi rất phục Nguyễn Nhật Ánh: trong mắt tôi thì ông "buôn dưa lê" rất siêu. Tôi vẫn nhớ là mình rất thích đoạn nói về tôn giáo và pháp luật,và đoạn gì đó nói về ăn thịt ăn cá nữa,

. Ông có khả năng nói về những điều khô khan một cách chẳng khô khan chút nào cả.
Chủ Nhật, 26/04/2009, 12:08
Đặng Mạch Minh Trang
tôi vẫn còn nhỏ tuổi nhưng khi đọc quyển sàch này tôi cũng rất thấm thía và tâm đắc. Tôi mong là chú Ánh sẽ viết nhiều cuốn sách hay như thế nữa
Chủ Nhật, 31/05/2009, 21:11
nguyễn vũ phươn
Nguyễn Nhật Ánh là một trong những nhà viết truyện có ảnh hưởng đến một phần tuổi thơ tôi. Từ những quyển Kính vạn hoa đầy hấp dẫn, thú vị. Mong chú có nhiều sức khỏe để mang đến cho chúng cháu nhiều cuốn sách hay hơn nữa. Cảm ơn chú!
http://www.sachhay.com