Trẻ ghiền mút tay: dễ tổn thương da, răng, miệng

241
0
0

Quỳnh Anh 82

New Member
Trẻ ghiền mút tay: dễ tổn thương da, răng, miệng



SGTT.VN - Trẻ mút tay (còn gọi bú tay) thường được cho là dấu hiệu trẻ khát sữa. Dấu hiệu này xảy ra quen thuộc đến nỗi nhiều ông bố, bà mẹ nghĩ rằng điều đó tự nhiên và rất bình thường. Đây là suy nghĩ sai lầm bởi mút tay có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của trẻ.





Ngậm mút tay chưa rửa sạch sẽ là nguồn căn cho trẻ bị các bệnh lây truyền qua đường miệng (ảnh chỉ mang tính minh hoạ). Ảnh: Art Dulay

Trong thăm khám hàng ngày, bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM đã tiếp nhận không ít trường hợp trẻ bị lở loét ngón tay, nhiễm trùng da… do mút tay. Thống kê tại Bắc Mỹ cho thấy 13 – 31% trẻ dưới bốn tuổi có thói quen mút tay. Xảy ra nhiều nhất ở tuổi 18 – 21 tháng và đồng đều ở trẻ trai cũng như gái.

Không phải chỉ khát sữa trẻ mới mút tay
Trẻ thường hay mút tay lúc trẻ dỗ giấc hay đang ngủ say, vào thời điểm mà những ức chế vỏ não đã ở mức tối thiểu. Thói quen cũng thường xuất hiện khi trẻ cảm thấy sợ hãi, lo lắng, buồn chán hay căng thẳng vì đây là cách tự trấn an để giúp trẻ có cảm giác bình yên và dễ chịu. Thông thường, các trẻ chỉ ngậm mút ngón tay một cách nhẹ nhàng trong khoảng thời gian ngắn nên không gây tổn thương đáng kể trên cơ thể. Ngậm mút tay chưa rửa sạch sẽ là nguồn căn cho trẻ bị các bệnh lây truyền qua đường miệng như bệnh tay chân miệng và các bệnh đường tiêu hoá khác.



Trẻ ngậm ngón tay quá sâu, chạm vào phần sau lưỡi sẽ khiến trẻ dễ bị nôn trớ, nhất là sau ăn uống. Ở những trẻ có động tác mút mạnh liên tục, thậm chí nhai hoặc dùng lưỡi đẩy có thể gây ra một số tổn thương ở da ngón tay, răng và hàm. Da ngón tay bị nứt đi nứt lại, lở loét, sẽ tạo điều kiện cho vi trùng bên ngoài xâm nhập vào dưới da, sinh sản gây viêm da mủ. Mút tay nhiều, lâu ngày, còn gây biến dạng xương ngón tay, tạo nên hình dạng ngón tay bất thường. Về lâu dài là tình trạng biến dạng răng và hàm; miệng trẻ trở nên hô (do răng và hàm bị đẩy ra ngoài) hay móm (do một hàm bị đưa vào trong); lệch khớp cắn; rối loạn phát âm cần phải chỉnh nha sau này. Về tâm lý, mút ngón tay thường được xem là biểu hiện của xấu hổ, thiếu tự tin và dễ là cái cớ khiến bạn bè đồng trang lứa chọc ghẹo, gây mặc cảm cho trẻ khi đến trường.

Khi nào trẻ MÚT TAY PHẢI đi khám bệnh? Khi phát hiện có những tổn thương tại ngón tay, loét miệng hay có vấn đề răng miệng và phát âm; hoặc ở trẻ đã bốn tuổi vẫn còn thích mút tay… thì nên đưa trẻ đến khám bệnh để được trị liệu kịp thời.






Làm sao để trẻ từ bỏ thói quen xấu?

Cách mà một số phụ huynh thường làm để không cho trẻ bú tay như la rầy, đánh vào tay trẻ, tìm cách trừng phạt, hù doạ… không phải là cách tốt nhất để giúp trẻ từ bỏ thói quen xấu. Cố gắng can ngăn chỉ làm trẻ thêm lo lắng, cảm thấy bực tức và càng mút tay hơn nữa. Có khi còn mang lại tác động ngược, giúp trẻ duy trì thói quen này đến lớn.

Tốt nhất, trẻ còn bú nên cho bú mẹ đầy đủ. Ở trẻ nhỏ thỉnh thoảng mới mút tay, phụ huynh chỉ cần phớt lờ, vờ không chú ý đến. Làm phân tâm trẻ, lôi cuốn sự chú ý vào những trò chơi khác, giúp trẻ dễ chịu vào những thời điểm sắp mút tay. Chịu khó tìm cách động viên, khích lệ trẻ những lúc không mút tay cũng mang lại hiệu quả giảm dần rồi tự hết. Một số biện pháp tại chỗ như băng kín hay mang găng che tay trẻ, thoa dầu cay, thuốc đắng hay sơn màu vào móng tay trẻ… nhằm làm giảm hứng thú mút tay, cũng có hiệu quả nhất định. Với trẻ lớn, cần được giải thích lồng ghép trong tác hại của những thói quen kém vệ sinh, nhắc nhở trẻ thường xuyên rửa tay sạch, cắt móng tay, vệ sinh da để tránh lây bệnh.


BS chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Kim Thoa
Trưởng khoa nội tổng quát 1, bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM
 
7,827
1
38

Me Minh "meo"

Active Member
Bé trai nhiễm trùng máu do nghiện mút tay.

Bé trai nhiễm trùng máu do nghiện mút tay

Được đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, trong tình trạng toàn thân ửng đỏ, ngón tay cái lở loét, bệnh nhi 18 tháng tuổi được các bác sĩ xác định nhiễm trùng máu do thói quen ngậm ngón tay.


Vết thương gây nhiễm trùng trên ngón tay bệnh nhi. Ảnh: BS Hải Thoa

Mẹ bé cho biết, sau khi cai sữa mẹ từ lúc 3 tháng tuổi, bé cứ cho tay vào miệng bú suốt ngày. Mẹ từng bôi dầu cay lên ngón tay bé để đừng bú nữa nhưng không thành công. Ngón tay sau đó loét rộng chảy nước vàng và mọc các mụn nước.

"Cả ngón tay cái của bé dần bị sưng đỏ và chứa mủ. Da toàn thân cũng đỏ lên. Bé sốt cao, quấy khóc, không sao ăn uống được nên chúng tôi phải đưa vào bệnh viện", bà của bé nói.

Các xét nghiệm tại bệnh viện cho thấy vết thương ở ngón tay đã gây nhiễm trùng máu dẫn đến tình trạng sốt. Bệnh nhi lập tức được điều trị bằng kháng sinh, làm sạch mủ. Sau hơn 3 ngày nhập viện, sức khỏe của bé đã dần bình phục.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1, mút tay thường xuất hiện sau lúc trẻ cai sữa. Một số trẻ còn cắn móng. Đây là những thói quen phổ biến ở trẻ em, ảnh hưởng đến sức khỏe do kém vệ sinh hoặc gây nhiễm trùng ở vị trí mút.

Để tránh thói quen này, phụ huynh nên sớm hướng trẻ tập trung đến những hành động khác như dụ cầm đồ chơi, kéo tay ra khỏi miệng bé và thay bằng bình sữa. Phải thường xuyên nhắc nhở trẻ thì mới mong cháu thay đổi được thói quen.

Trung Hào

Nguồn : http://vnexpress.net/gl/doi-song/2011/07/be-trai-nhiem-trung-mau-do-nghien-mut-tay/
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Top