Của cho không bằng cách cho

5,624
9
38

metyruoi

Active Member
Mấy ngày qua chắc mọi người có xem đoạn video clip tranh giành hàng cứu trợ ở miền Trung post trên vnexpress. Thực hư sự việc như thế nào, em copy bài viết của một thành viên tham gia chuyến đi dưới đây để mọi người hiểu rõ và có cái nhìn đúng hơn về sự việc, con người, và chọn cho mình cách làm hợp tình, hợp cảnh hơn. Đi làm từ thiện không phải là việc dễ dàng, của cho không bằng cách cho, các cụ ngày xưa đã nói thế.

Em copy nguyên văn, chỉ xóa đi tên đầy đủ của nhân vật chính được nhắc đến trong bài viết.

Cảm ơn chị rất nhiều vì bài viết rất thật và đầy tình người này!@};-


Đầu tiên mình xin giải thích cho các bạn thành viên về lý do mà người dân đã lao vào tranh giành chỗ quần áo cũ mà mọi người quyên góp. Hành động đó xảy ra sau khi trao xong 90 phần quà cho các hộ dân theo danh sách xin được của ủy ban xã (10 phần quà trong tổng số 100 phần quà là bên mình và bên web kết hợp mang đến trao tận tay những hộ đặc biệt khó khăn, sau này có ảnh minh họa mọi người sẽ biết). Còn số hàng mà người dân tranh nhau đó chỉ là quần áo cũ, mình xin nhắc lại là quần áo cũ quyên góp được chứ hoàn toàn không có tiền, gạo hay mỳ tôm như bài báo đã đưa để mọi người hiểu nhầm là dân xông vào cướp hàng cứu trợ. Số quần áo cũ đó cũng không phải là đồ để mang sang xã khác ủng hộ vì số lượng quần áo mọi người quyên góp rất nhiều, số quần áo cũ mang đi xã khác vẫn còn nguyên trên xe và chia cho 3 xã Sơn Mỹ, Sơn Phú và Sơn Thủy (xã nằm ngoài lịch trình đến ủng hộ của đoàn) mới hết. Mình có đọc được một thành viên trên diễn đàn nói rằng các chị bên web khóc vì lo không có hàng và đồ cứu trợ mang đi chỗ khác là hoàn toàn không đúng, như vậy rất ảnh hưởng đến người dân xã Sơn Mỹ, mình xin bạn hãy rút lại ý kiến đó vì nó không đúng với sự thật.

Mọi người chắc sẽ thắc mắc tại sao mà người dân lại có những hành động như thế? Mình xin thưa rằng: các bạn hãy đặt mình vào hoàn cảnh của họ mà suy nghĩ, họ ra sân ủy ban tập trung từ 6h - 7h sáng để chờ nhận quà, sau khi phát xong 90 xuất quà có kèm số tiền 200k thì số quần áo đó thừa lại, chị M và các bạn có hứa sẽ trao hết cho mọi người số quần áo đó, nhưng chị M kéo dài thời gian quá vì ý định của chị là tập trung bọn trẻ con lại để hát hò, chia bánh kẹo kèm với quần áo, mình xin hỏi trong hoàn cảnh này họ có thời gian để chờ đợi chúng ta làm những việc đó không khi có một đoàn cứu trợ khác nữa đến sau cũng muốn trao quà ủng hộ cho người dân ở đó?

Chủ tịch xã có nói lại với chị M là cố gắng trao nhanh nốt chỗ quần áo đó cho dân để đơn vị bên kia trao quà hoặc giao lại cho ủy ban để ủy ban sẽ chia hộ cho người dân số quần áo cũ đó nhưng chị không chịu và từ giữa sân ủy ban chị kéo bọn trẻ con lên bãi cỏ để hát hò và sai một số thành viên đứng bảo vệ chỗ quần áo và chuyển số quần áo đã dỡ đó lên bãi cỏ khiến người dân ngơ ngác không hiểu lý do gì mà mang đi hay không trao nữa nên người ta mới nhảy vào để tranh cướp. Mọi người có thể xem kỹ lại đoạn video clip để xem là mình nói có đúng hay không. Mình nghĩ việc hát hò nếu muốn có thể làm bên trường tiểu học vì sau khi trao 90 phần quà này theo đúng lịch trình là bên web sang trường tiểu học trao sách vở và đồ dùng cho cô và trò bên trường, không nhất thiết phải làm ở ủy ban nơi đông người dân và có hai đơn vị cùng trao quà dễ xảy ra hỗn loạn và đó là việc làm không cần thiết, các bạn xem ảnh sẽ thấy xã Sơn Mỹ bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Các bạn cũng đừng vội trách người của ủy ban không quan tâm đến đoàn mình vì họ đã tiếp đoàn mình từ lúc 5h sáng, họ dành cho đoàn mình nước mưa để làm vệ sinh cá nhân (mà nước sạch đối với họ vô cùng quý giá), họ kêu gọi người dân đến tập trung, cử công an viên, dân quân, trưởng xóm, trưởng thôn đến giúp đoàn trao quà và đưa 5 người đi trao quà đến 10 hộ khó khăn đặc biệt ở trong xóm bằng xe máy mà không hề đòi hỏi bồi dưỡng hay gì cả. Còn sau đoàn mình là một đoàn cứu trợ khác đến thì họ cũng phải có trách nhiệm giúp đỡ cho đơn vị đấy trên cương vị là người đứng đầu xã vì ai đến cứu trợ người cần gặp là chủ tịch xã, xin đừng trách ủy ban thiếu quan tâm mà làm mất đi lòng tốt của họ.

Bài báo này đưa lên khiến họ và người dân bị phê bình và khiển trách vì đã làm xấu đi hình ảnh của người dân miền Trung. Mình xin khẳng định một điều rằng lỗi sai trong việc này trước hết là do phía bên mình thiếu kinh nghiệm trong lần đi đầu tiên này, mọi người chỉ đóng quần áo vào túi ny - long trắng loại bọc quần áo chứ không chia hẳn số quần áo đó vào 100 túi quà bằng túi ny-lon to để dễ trao cho người dân, dẫn đến tình trạng quần áo thì rất nhiều nhưng lúc đầu chỉ chia cho mỗi hộ 2 túi, họ vừa ôm gạo, ôm gia vị, ôm mỳ tôm, ôm quần áo và giữ phong bì tiền, cái nọ chồng lên cái kia rất dễ rơi (có ảnh minh họa trên bài của 1 chị mọi người có thể thấy), sau còn thừa lại quá nhiều quần áo cũ không biết xử trí thế nào cho hợp lý thì mới xảy ra tình trạng như trên. Lỗi trước hết là do bên mình làm việc còn thiếu đi kinh nghiệm, xin mọi người đừng trách người dân nữa, họ đã quá khổ rồi đừng gieo cho họ thêm tiếc ác mà họ sẽ đau lòng lắm.

Việc thứ hai là đoạn video clip ghi lại hình ảnh tranh cướp và chị M khóc và nói mình xin được nói thẳng thế này dù mình biết sự thật là mất lòng nhưng không thể không nói ạ. Giúp đỡ người khó khăn là một việc vô cùng ý nghĩa và cao đẹp nhưng giúp thế nào thì lại là một việc vô cùng khó. Chị nói với mọi người rằng để có được 200k mang đến đây là chúng cháu phải chắt chiu dành dụm và quyên góp mới có được mà các bác làm thế này cháu rất thất vọng. Mình đã tình nguyện đi làm việc thiện thì xin đừng nói và có những hành động khiến người dân cảm thấy như bị ban ơn như vậy, mà lúc đó chiếc phong bì 200k cuối cùng đã được trao (có ảnh minh họa), họ đâu có cướp tiền và hàng đâu mà chị M nói thế khiến cho người dân trên cả nước xem báo hiểu sai về họ - những con người khó khăn lam lũ đang phải gượng dậy sau hai trận lũ thế kỷ mà chưa biết phải sống thế nào, sống ra sao khi ngô vừa gieo đã bị ngập trắng, nhà cửa thì tan hoang. Nếu đoàn nào đến cũng kể lể như thế thử hỏi người dân sống tại đó, những vùng khác nữa và những người con phương xa quê hương Hà Tĩnh sẽ cảm thấy thế nào? Họ sẽ mặc cảm lắm chứ.

"Sống trên đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi..." Xin hãy làm việc thiện xuất phát từ triệu triệu trái tim nhân ái, hãy để những tấm lòng vàng hảo tâm được theo gió cuốn đi nhẹ nhàng đến với mọi người trên khắp đất nước này mà há chi sự trả ơn, hãy làm viêc thiện thật vô tư và thật thoải mái. Như vậy những việc chúng ta đang làm sẽ có ích hơn gấp trăm gấp nghìn lần phải không các bạn?
 
1,416
0
36

MomMi

Active Member
Ðề: Của cho không bằng cách cho

đúng là lúc xem clip, em cũng nghĩ cách tổ chức chưa ổn nên mới có tình trạng lộn xộn như vậy. xong lại thấy tự hào về CSTT, mặc dù ít người mà làm nhanh gọn, đâu vào đấy. Yêu các chị, các anh :x
 
713
0
16

Virgo2007

Member
Ðề: Của cho không bằng cách cho

Đấy, em đoán ngay mà, phải có nguyên nhân gì thì mới thế chứ. Đài báo cứ la bai bải là dân thế nọ thế kia nhưng thực chất đâu có phải. Đoàn mình đi có bị tình trạng thế này đâu. Dân tình cũng lộn xộn (họ kéo ra nhiều thì lộn xộn là điều đương nhiên) nhưng họ không hề có ý định tranh cướp hàng hóa gì cả.
 
384
0
16

tho2006

Member
Ðề: Của cho không bằng cách cho

Hôm trước em theo chân đoàn bà con chợ Rồng Nam Định vào đó cứu trợ cũng để xảy ra một vài tình huống dở khóc dở cười kiểu đó. Số quần áo cũ nhiều quá nên không biết phân chia ra làm sao, sợ nếu đóng vào từng túi thì cái người này không cần, người kia cần nên đành dồn tất thành một đống, giao cho trưởng thôn ai cần thì phát cho họ. Thế mà cũng xảy ra lộn xộn, cũng may bà con ở đó thật thà, đùm bọc nhau nên cuối cùng người nào thiếu thì vẫn có đủ.
 
1,007
0
0

Mường Tè

New Member
Ðề: Của cho không bằng cách cho

Sao cứ toàn mì tôm thế?

>> Mỳ tôm
>> Thu lại tiền cứu trợ của dân làm gì?
>> Bạn đọc Tiền Phong ủng hộ hơn 2,2 tỷ đồng
>> Xác xơ khi cơn lũ đi qua

TP - Nhiều ngày qua, bà con vùng lũ liên tục phải ăn mì tôm sống. Nhiều đoàn cứu trợ đến đều mang mì tôm, mì tôm và lại mì tôm.


Trẻ em vùng lũ phải ăn mì tôm sống nhiều ngày liền .


Khi cơn lũ đi qua, điệp khúc mì tôm vẫn vang lên đã đặt ra nhiều câu hỏi cho công tác cứu trợ. Trong khi đó, ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, một số người dân bị lũ cô lập đã rơi nước mắt khi được ăn cơm nắm...

Một cơn lũ mì tôm

Cụ Phan Thị Hà (xã Phúc Đồng, Hương Khê) móm mém nhai miếng mì tôm sống. Cụ nhăn mặt bảo: “Khổ quá, già rồi, răng rụng hết, ăn mì tôm sống đau lắm. Ăn mì liên tục 6 ngày rồi, bị táo bón nhưng cứ phải nhai vì không có chi ngoài mì tôm cả. Sao cứ cho toàn mì tôm thế?”.

Cụ Hà ngồi cạnh 5 thùng mì tôm. 5 đoàn cứu trợ đến đây, đoàn nào cũng biếu một thùng. Cụ thèm cơm trắng quá, nhưng không biết làm thế nào khi mà nhà đang bị ngập, thóc lúa trôi hết. Cụ mong có đoàn cứu trợ nào đó mang theo bánh mì, lương khô hay bất cứ thứ thực phẩm nào khác... trừ mì tôm.

Có tiếng xuồng máy. Một đoàn cứu trợ khác đang vào, trên tay mang theo một thùng mì tôm...

Khi trận lũ đang nhấn chìm nhiều huyện của Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, người dân cả nước đã hướng về ba tỉnh Bắc miền Trung với tinh thần nhường cơm sẻ áo. Hàng cứu trợ đồng bào lũ lụt theo cách truyền thống nhất vẫn là mì tôm.

Một cơn lũ mì tôm đã đổ về ba tỉnh này và thực tế đã giúp cho nhiều người dân thoát khỏi những cơn đói giữa biển nước mênh mông. Nhưng sẽ ra sao nếu danh mục hàng cứu trợ gần như chỉ có mì tôm?

Ông Nguyễn Thế Hùng (xã Sơn Bằng, Hương Sơn, Hà Tĩnh) phân trần: “Quê tôi năm nào cũng lụt, cứ lụt là được cứu trợ mì tôm. Đồng bào chia sẻ với mình thì quý lắm, không dám đòi hỏi gì, nhưng tôi cứ nghĩ giá như thay mì tôm bằng lương khô hay bánh mì thì sẽ phù hợp hơn.

Lũ rút rồi, đồng bào cần quần áo, gạo, chăn màn, thuốc men nhưng người ta vẫn cứ biếu mì tôm. Ở quê tôi nhiều người mang mì tôm ra đại lý bán để mua lại nước mắm, gạo, dầu”.

Ông Hùng vẫn nhớ hình ảnh máy bay trực thăng thả mì tôm xuống nhà dân đang bị ngập. Có thùng mắc trên ngọn tre, có thùng rơi xuống nước. Lúc đói hoa mắt, có được miếng mì tôm sống cũng quý như vàng. Nhưng ăn vào rồi thì khát nước. Ở trên biển nước mênh mông mà không có nước sạch để uống. Hai ngày liền ăn mì tôm sống thì người cũng lả đi, không còn sức mà chống lũ nữa. Một số người ăn mì tôm sống, uống nước bẩn đã bị bệnh đường ruột.

Ông Hùng nói: “Tôi nghĩ đã đến lúc Nhà nước phải nghiên cứu một danh mục hàng cứu trợ cho người dân vùng lũ, làm sao thực phẩm vừa đủ chất, dễ vận chuyển bảo quản và ăn không bị ngán, tại sao cứ phải “tín nhiệm” mì tôm mãi”?

Ông Trần Ngọc Tăng - Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lý giải nguyên nhân mì tôm được “tín nhiệm”: “Mì tôm có thể thu gom một lượng lớn trong thời gian ngắn. Còn bánh mì và lương khô thì khó thu gom ngay được. Mì tôm có thể bảo quản và dùng dần”.

Nhưng theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, ăn mì tôm liên tục sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, đặc biệt là ăn mì tôm sống và thiếu nước sạch để uống.

Thèm lắm cơm mắm

Trong cuộc họp bàn biện pháp hỗ trợ người dân của huyện Hương Khê, có người nêu ý kiến: Nên cứu trợ bằng cơm nắm, muối vừng. Ngay lập tức ý kiến này được nhiều người tán thành vì ai cũng hiểu ăn mỳ tôm dễ chán và lại không chắc dạ bằng cơm tẻ. Nhưng ai sẽ là người nấu, chuyển cơm cho bà con? Giống như thời chiến, mọi người đều tán đồng giao trọng trách này cho hội phụ nữ.


Bà Nguyễn Thị Tình, Chủ tịch hội phụ nữ huyện Hương Khê với những chiếc khăn mùi xoa dùng để nắm cơm cứu trợ bà con vùng lũ .


Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Hương Khê Nguyễn Thị Tình, cho biết: Ngày 19-10, thay vì chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm ngày phụ nữ Việt Nam, chúng tôi tập trung nấu cơm gửi tới bà con vùng lũ. Gạo do huyện cấp, xoong nồi đi mượn, cơm nấu chín lấy khăn mùi-xoa vắt cho thật chặt như vắt cơm cho bộ đội năm nào. Chỉ trong mấy ngày lũ, đội nấu cơm ở khu vực thị trấn do Hội phụ nữ huyện phụ trách đã nấu 1,3 tấn gạo.

Ở các xã bị chia cắt, khó tiếp cận như Hương Long, Phú Gia, Phú Phong…, Hội phụ nữ xã cũng tổ chức nấu tại chỗ 610 kg gạo. “Có những nơi không sẵn gạo, chúng tôi chỉ đạo chị em ở cơ sở bắc nồi đun nước trước, khi có gạo về là vo rồi nấu ngay để kịp đưa đến các hộ”- chị Tình kể.

Ban đầu chị em vắt những nắm cơm lớn, khoảng 5 lạng gạo. Sau thấy nên vắt nhỏ hơn, khoảng 2,5 đến 3 lạng gạo để đưa tới được nhiều hộ dân hơn. Ngoài cơm nắm, muối vừng, chị em còn quyên góp được thịt, trứng thậm chí cả cà pháo, nhút muối gửi tới đồng bào đang khốn khó. Những bữa cơm như thế trong ngày lũ đã làm nhiều đôi mắt đỏ hoe vì cảm động. Đã nhiều ngày họ thèm cơm.

Chị Nguyễn Thị Vỹ - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Hà Linh, huyện Hương Khê cho biết: Ngay khi nhận được chỉ đạo của cấp trên, ngày 21-10 chúng tôi tổ chức nấu cơm cứu trợ. Tại nhà chị Đặng Thị Anh- Thường vụ Hội phụ nữ xã đã chuẩn bị 5 chiếc xoong quân dụng. Gạo quyên góp từ chính các hộ có hoàn cảnh ít khó khăn hơn, nhà bị ngập ít hơn, người góp vài ba cân, có người góp vài lạng cũng quý. Có gạo rồi chị em lại phải tìm củi khô để mồi rồi hong củi ướt…

Cơm nấu chín, vắt xong chị em chia làm hai hướng dùng thuyền nhỏ để luồn lách, cứu trợ. Những nắm cơm nghĩa tình đã được các chị đưa đến bà con vùng lũ như vậy. Vợ chồng chị Đặng Thị Bân và năm đứa con nhiều ngày ăn mì tôm sống, trông thấy cơm ai cũng rạng rỡ.

Ông Đinh Văn Tân – Chủ tịch UBND huyện Hương Khê kể rằng, đi cứu trợ bão lụt nhiều lần, phải ăn mì tôm sống đến phát ngán. Trong mưa lạnh, và biển nước mênh mông, có vắt cơm nắm muối vừng cảm thấy chắc dạ, ấm lòng. Ông Tân cho rằng “mô hình cơm nắm” cần nhân rộng như một loại thực phẩm cứu trợ phù hợp với đồng bào vùng lũ.

Ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Trưởng Ban phòng chống lụt bão Trung ương: Cần tổ chức một bàn tròn về công tác cứu trợ đồng bào bão lụt, trong đó có ba vấn đề đặt ra: Nên ủng hộ gì? Phương pháp ủng hộ như thế nào? Làm thế nào để đưa đến tận tay người dân?

Bà Hà Thị Liên - Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam: Một đất nước thường xuyên xảy ra thiên tai nhưng thực phẩm cứu trợ lại chưa được quan tâm đúng mức. Nên chăng chế biến một loại bánh như bánh mì, để được 5-7 ngày, đựng trong túi nylon. Đã đến lúc cần xem lại chuyện cứu trợ chỉ có mì tôm.



(Phùng Nguyên - Đỗ Sơn)
 
3,455
2
38

mecunlinh

Active Member
Ðề: Của cho không bằng cách cho

Hôm qua chị được nghe chuyện ( ko biết có chính xác ko ): khi còn ngập có đoàn cứu trợ mang bánh chưng nhưng đến xã thì được y/c phải nhập kho ::-?. Đợi đến khi xuất kho không biết bánh chưng gọi là gì ???? Chắc vì thế nên đoàn nào cũng nghĩ đến mì tôm để có thể bảo quản lâu dài. Nếu ở xã nào cũng tổ chức được hình thức nấu cơm tiếp tế thì tốt quá.
 
5,624
9
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Của cho không bằng cách cho

Hôm qua chị được nghe chuyện ( ko biết có chính xác ko ): khi còn ngập có đoàn cứu trợ mang bánh chưng nhưng đến xã thì được y/c phải nhập kho ::-?. Đợi đến khi xuất kho không biết bánh chưng gọi là gì ???? Chắc vì thế nên đoàn nào cũng nghĩ đến mì tôm để có thể bảo quản lâu dài. Nếu ở xã nào cũng tổ chức được hình thức nấu cơm tiếp tế thì tốt quá.
Ới, nhập xong cái xuất ngay (cho đối tượng khác), chứ không biết đợi đâu ạ.

Hôm trước em ngồi nói chuyện với bạn là phóng viên cũng đi cứu trợ cả 2 đợt lũ, các bạn ấy vào tận nơi, chỗ các chị em phụ nữ nắm cơm tiếp tế, gói vào lá chuối chuyển vào cho bà con. Cơm nắm xong thì rất nguội, nếu bị nước mưa ngấm vào thì cứng đơ, chấm với muối vừng nhai trệu trạo. Giá như mà nấu cơm nóng xong, cho vào hộp xốp đựng thức ăn, nấu thêm món rau luộc, trứng luộc, thêm muối vừng nữa thì bà con ăn vào ấm lòng lắm. Nhưng đúng là làm thế rất khó nhỉ! (Không mong, nhưng nếu có lần sau) chúng mình thuê người nấu và chuyển vào nhỉ.
 
1,416
0
36

MomMi

Active Member
Ðề: Của cho không bằng cách cho

Ới, nhập xong cái xuất ngay (cho đối tượng khác), chứ không biết đợi đâu ạ.

Hôm trước em ngồi nói chuyện với bạn là phóng viên cũng đi cứu trợ cả 2 đợt lũ, các bạn ấy vào tận nơi, chỗ các chị em phụ nữ nắm cơm tiếp tế, gói vào lá chuối chuyển vào cho bà con. Cơm nắm xong thì rất nguội, nếu bị nước mưa ngấm vào thì cứng đơ, chấm với muối vừng nhai trệu trạo. Giá như mà nấu cơm nóng xong, cho vào hộp xốp đựng thức ăn, nấu thêm món rau luộc, trứng luộc, thêm muối vừng nữa thì bà con ăn vào ấm lòng lắm. Nhưng đúng là làm thế rất khó nhỉ! (Không mong, nhưng nếu có lần sau) chúng mình thuê người nấu và chuyển vào nhỉ.
chị, cơm nắm mà nấu cơm dẻo thì không sợ cứng đơ đâu, cách này không biết còn kịp không? có khi em thử liên lạc xem có gạo tấm Nhật, vừa rẻ, vừa dẻo, nắm cơm chắc ổn lắm. Nhưng mỗi tội khoản nấu nướng thế nào nhỉ?
 
384
0
16

tho2006

Member
Ðề: Của cho không bằng cách cho

Hôm lũ vừa rút bọn em mang Bánh mì Ba lan (một loại bánh mì ở Nam Định có rất nhiều ruột, chắc) vào trong đó, bà con rất thích. Bánh mì này có thể để được 5 ngày mà không bị cứng đâu. Nếu lần sau nhà mình đi, em nghĩ mang bánh mì này sẽ rất hợp lý ạ. À, mà nếu kêu gọi được mọi người ủng hộ nồi niêu, xoong chảo cũ nhà ko dùng nữa thì rất tốt. Có nơi em đến, gạo thì được cứu trợ nhưng ko có nồi để nấu cơm, ...
 
84
0
0

Sếu&Dim

New Member
Ðề: Của cho không bằng cách cho

Theo mình có thể cung cấp các loại thực phẩm sau đây:

1. Bánh mỳ của Kinh Đô - Có thể bảo quản được vài ngày
2. Lương khô

Ngày xưa nhà mình thường luộc, thái mỏng khoai lang rồi phơi khô, để được rất lâu và ăn cũng rất ngon.
 
1,007
0
0

Mường Tè

New Member
Ðề: Của cho không bằng cách cho

Câu chuyện về sự "thật, giả" của lòng nhân ái
12/11/2010 11:44 (GMT +7)
Còn nhiều bức xúc trong chuyện từ thiện, nhưng chú muốn cháu sống tự nhiên, hồn nhiên như cái tuổi lên 10 của cháu. Bởi bên cạnh những người "núp dưới lòng nhân ái" vẫn còn những người nhân ái thực sự đó thôi.

>> Toàn cảnh: Hàng cứu trợ thành... giẻ lau

Thư của một cậu bé vùng bão lũ

Chú à!

Bão thì làng cháu nhiều, nhưng lũ như đợt vừa rồi thì quả thực là ít. Ban đầu cháu còn hí hửng bảo tập bơi thích quá. Nhưng cháu đã bị mẹ cháu mắng. Chưa bao giờ mẹ mắng cháu nặng như thế.

Mấy hôm sau cháu mới hiểu. Lũ đã đánh ngục ngôi trường kiên cố của cháu huống gì cái mái nhà cháu vốn đã xập xệ. Cả làng cháu lả đi trong đơn đói. Bố cháu da xanh, môi thâm nhưng vẫn nhường cơm cho cháu mà không hề rên la.



Bức ảnh cảm động với hai cánh tay kêu cứu của hai anh em Khánh và Linh. Ảnh Tuổi Trẻ

Nước rút, cả làng cháu rớt nước mắt khi nghe có đoàn cứu trợ về cứu làng. Cháu cả mẹ cháu kiên nhẫn đợi ở ủy ban. Đợi, đói lả cả người, chú Bí thư bảo: "nước vẫn ngập, xe chưa vào được". Nhưng làng cháu cũng tình nghĩa lắm, chả lẽ người ta vượt bao nhiêu km đến đây mà mình lại bỏ về. Thế là bạc nghĩa. Thế là lại đợi, cho đến lúc sự kiên nhẫn của hai mẹ con cháu gần như đã kiệt thì các cô chú xuất hiện.

Thùng lớn thùng nhỏ, "các cô chú đẹp đẽ" rỉ tai nói gì ý, bác chủ tịch xã lắc đầu rồi lại gật gật... Rồi phát quà, rồi quay phim, chụp ảnh rầm rập. Dù mẹ cháu có mắng nhưng cháu không chịu được vẫn cứ mở túi quà vừa được nhận. Là mì tôm, là bánh, cả những bịch sữa và những viên thuốc toàn tiếng tây mà mẹ cháu cũng không hiểu là chữa bệnh gì. Sau này cháu người làng xì xào "thuốc hết đát". Nhưng mẹ bảo: "Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Thế quý rồi con ạ! Không người ta lại bảo ăn mày đòi xôi gấc"

Chuyện này cháu không nề hà. Nhưng cháu buồn vì nhà thằng Tèo bạn cháu, nhà nó nghèo ngang ngửa nhà cháu ấy vậy mà lại không có tên trong danh sách hộ bị thiệt hại.

May quá! không hẹn trước, đùng cái một đoàn cứu trợ khác đến làng cháu phát đồ cứu trợ -mà lại không thông qua xã - về sau này cháu mới biết. Các cô chú này bảo: "Họ không muốn gửi qua đoàn thể nào cả mà muốn trao tận tay cho những hộ nghèo nhất trong xã. Không cần đến quay phim chụp ảnh cũng như ký quáy gì cả".

Mẹ cháu nhiệt tình dẫn đến những hộ đói trong làng. Cháu dắt họ qua cả nhà thằng Tèo, bạn cháu. Trao quà xong đoàn đi - chứ không ở lại ăn cơm với xã như bao đoàn trước - bác chủ tịch xã gọi mẹ cháu lên hầm hè chỉ mặt mẹ cháu bảo "Lần sau cấm được làm thế, cái gì cũng cần phải có đoàn thể. Cứu trợ thì phải - thông - qua - xã".

Mẹ cháu sợ, nín lặng. Nhưng về đến nhà mẹ cháu bảo: "dân làng mình thích kiểu trao quà như thế này hơn". Mẹ cháu làm như thế có gì sai? Từ bận ấy đến giờ cháu cứ nghĩ: giá như chú làm chủ tịch "hội trao quà".

Kính thư!

(Cháu Tý, người chèo đò đưa chú đi mấy hôm lũ.)

... và tâm sự của một nhà báo

Tý yêu quý.

Chú chỉ là một phóng viên như bao nhà báo khác. Công việc của chú là phản ánh việc xảy ra ở làng cháu lên báo, kêu gọi và một tý quyên góp cho đồng bào bão lụt - trong đó có cả cháu. Nhưng đây không phải lý do khiến chú phải nói lời xin lỗi cháu hôm nay. Bởi chú càng đọc thư của cháu, càng đọc những gì đang diễn ra. Chú thấy cần phải chia sẻ với cháu.

Giờ chú vẫn nhớ thằng Tý đen đủi như củ súng chèo đò đưa chú đi tác nghiệp cả mấy hôm lũ. Cháu, đứa trẻ con ở quê mến khách. Lúc chia tay không có gì làm quà, chú đã gom tất cả những bút viết cũ mới đang có, trao cho cháu và chúc học giỏi. Cháu bất chợt oà khóc, níu lấy tay chú như chẳng muốn rời.

Cháu đã như thế, như một cái cây non, bé bỏng, run rẩy, nhưng khao khát được sống. Chú tự hào về cháu. Cho đến ngày cháu biết những sự thật trên.

Tý ạ! Chắc chắn cháu ở xa nên chưa biết cái vụ người ta bán quần áo cứu trợ để làm giẻ lau xe ô tô, lau máy ở Nghệ An - một sự sỉ nhục vào tấm lòng nhân ái. Chú khẩn thiết thấy nhục nhã khi phải kể với cháu điều này.

Nếu sau này có điều kiện, chỉ cần cháu vào google gõ dòng chữ "ăn chặn tiền cứu trợ" sẽ thấy ra tới Khoảng 32.500 kết quả ( chỉ trong vòng 0,43 giây) ... ấy là thời điểm ngày hôm nay đấy Tý ạ!

Thế nên cũng là điều dễ hiểu khi bây giờ, nhiều đoàn thể, cá nhân sau khi quyên góp đã bỏ công bỏ việc đến tận làng cháu, để phát quà cho những người mà họ tai nghe mắt thấy.

Cũng phải thôi, bởi chú còn nhớ như in cách đây 10 năm. Chú biết tỏng cái gã nhà bên làm ở thành đoàn, chỉ một cú đi trao quà cứu trợ, vậy là là hắn về đập nhà cũng xây nhà mới. Chú biết, mọi người biết. Nhưng bằng chứng đâu? Cả nước góp tình thương vào một túi và hắn lấy tiền ở trong cái túi đó kia mà. Tiền của nhiều người chứ đâu lấy tiền một cá nhân ai? Vậy là hòa. Chả ai kêu và cũng chả ai làm gì được. Chỉ ấm ức. Đến giờ chú vẫn ấm ức.

Người ta bảo "mất tiền bạc là mất ít, mất thời gian là mất nhiều còn mất lòng tin là mất tất cả", chú thực sự lo sợ. Sợ tất cả những gì đang diễn ra quanh cháu, có khác nào cơn lũ. Nó đáng sợ không kém cơn lũ đã từng cuối trôi đi tất cả của làng cháu. Chú làm sao bao bọc cho cháu tránh xa những thứ thứ khủng khiếp ấy. Quả thực chú bối rối.

Còn nhiều thứ lắm trong chuyện từ thiện, cứu trợ, chuyện xà xẻo... Nhưng chú không dám kể ra nữa vì sợ rằng cháu sẽ càng tự ti hơn. Chú muốn cháu sống tự nhiên, hồn nhiên như cái tuổi lên 10 của cháu. Nhưng chú phải làm sao bây giờ? Mà Tý ạ, bên cạnh những người "núp dưới lòng nhân ái" vẫn còn những người nhân ái thực sự đó thôi. Cháu phải tự cố cân bằng giữa hai chuyện nhé!

Chú thành xin lỗi Tý.

(Theo VnMedia)

Đọc xong mà thấy ấm áp với suy nghĩ, hành động của cu Tý, mẹ Cu Tý và tâm sự của chú nhà báo. Trong bao nhiêu cái gian dối, đục khoét, nhũng nhiễu của không ít người có chức sắc vẫn sáng lên tấm lòng và lòng tự trọng của những con người lao động chân chất ở những vùng quê nghèo...
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Top